Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm khiến bệnh nhi mắc ung thư tuyến giáp nguy kịch

Bệnh nhi được chẩn đoán u tuyến giáp cách đây 5 năm nhưng chỉ điều trị bằng thuốc nam.

Mới đây, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội tiếp nhận bệnh nhi N.T.A. (nam, 15 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong tình trạng u tuyến giáp diễn biến xấu, không thể nằm ngửa, phải sử dụng máy trợ thở.

Đáng chú ý, bệnh nhi được phát hiện hạch ở cổ và chẩn đoán u tuyến giáp cách đây 5 năm. Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi phẫu thuật nhưng gia đình xin về, không điều trị và cho A. uống thuốc nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh diễn biến xấu, tình trạng khó thở tăng dần.

Các bác sĩ xác định khối u thùy giáp trái đã di căn phổi đa ổ, lan xuống hõm ức, kích thước 8x9 cm, đè ép khí quản lệch sang phải gây hẹp lòng khí quản.

Đường kính khí quản của bệnh nhi tại vị trí hẹp nhất chỉ còn 4 mm (với người bình thường là 12 mm). Đây cũng là nguyên nhân khiến A. khó thở nghiêm trọng. Ngoài ra, khối u còn khiến giọng nói của A. bị khàn, ăn uống khó khăn.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Lê Thắng, khoa Ngoại Theo yêu cầu, nhận định: "Nếu không điều trị, khối u tiếp tục phát triển sẽ chèn ép và bịt kín đường khí quản, kết hợp việc đã di căn vào phổi có thể đe dọa tính mạng bệnh nhi. Tuy nhiên, chỉ định phẫu thuật với ca bệnh này cũng là quyết định rất mạo hiểm".

Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Kim Hảo, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, nguyên nhân là để gây mê những bệnh nhân có vấn đề đường thở, bác sĩ cần đặt ống nội khí quản để chỉ huy hô hấp. Với trường hợp của A., quá trình này có thể gây tắc đường thở do u giáp to, chèn ép, xâm lấn và phù nề thanh khí quản.

dieu tri ung thu di can anh 1

Hình ảnh khối u chèn ép gây hẹp lòng khí quản của bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Bên cạnh đó, khối u lớn gây tăng sinh mạch máu và nằm ở vị trí khó. Với bệnh nhân nhỏ tuổi, quá trình bóc tách dễ gây chảy máu ồ ạt. Những nguy cơ này khiến bệnh nhi có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật.

"Không chỉ vậy, khi kết thúc ca mổ, việc rút ống nội khí quản cũng rất nguy hiểm vì khí quản bị chèn ép lâu ngày có nguy cơ mềm, xẹp, gây suy hô hấp", bác sĩ Hảo giải thích.

Tuy nhiên, các bác sĩ và gia đình vẫn phải đưa ra quyết định phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành với sự phối hợp của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và khoa Ngoại Theo yêu cầu.

Trong 2 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ, hạn chế được tình trạng mất máu trong ca mổ, bệnh nhân không cần truyền thêm máu.

Sau mổ, bệnh nhi phải tiếp tục thở máy và được theo dõi sát trong phòng hậu phẫu 20 giờ. Khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định, các bác sĩ hồi sức quyết định cho bệnh nhân rút ống nội khí quản để tập thở. Hiện tại, A. tự thở tốt, ăn uống, đi lại bình thường, giọng nói không còn bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Thắng cho biết ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có tiên lượng tốt, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm khá cao. Trường hợp bệnh nhi A. có khối u to, chèn ép và di căn là rất hiếm do bệnh đã tiến triển trong thời gian quá dài.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị ung thư.

Nam sinh 16 tuổi bị xoắn tinh hoàn

Các bác sĩ nhận định tinh hoàn của bệnh nhân treo cao, xoay trục gây hiện tượng đau nhói.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm