Zing trích dịch bài viết Sai lầm khiến nhiều người Trung Quốc nhiễm HIV, đăng tải trên Inkstone News, lý giải nguyên nhân của hiện tượng các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại quốc gia này tăng nhanh trong những năm gần đây, đi ngược xu hướng chung của thế giới.
Cho đến nay, HIV vẫn là bệnh khiến giới y học đau đầu bởi chưa có thuốc điều trị và vaccine ngừa bệnh. Trên thế giới, số ca nhiễm HIV có xu hướng giảm. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở Trung Quốc.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo có 131.000 ca nhiễm HIV mới vào năm 2019. Năm 2007, số bệnh nhân HIV mới của nước này là 33.000.
Năm 2008, báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự báo số bệnh nhân HIV mới tại đất nước tỷ dân tăng với tốc độ 80.000 người mỗi năm. Trong những ca mắc mới, số bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên và người già chiếm đa số. Hầu hết, họ đều lây qua đường tình dục. Inkstone nhận định xu hướng tăng các ca nhiễm HIV là do sai lầm trong kiến thức về tình dục, sự thiếu hiểu biết của công chúng về đường lây của bệnh.
Thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn
Sự phát triển của mạng xã hội đã giúp nhiều người Trung Quốc tìm kiếm bạn tình dễ dàng hơn. Cùng với việc giáo dục giới tính không đúng cách, thanh niên Trung Quốc càng dễ bị nhiễm HIV/AIDS hơn bao giờ hết.
Xiao Dong, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm HIV Man Wellness Center, Bắc Kinh, cho biết: “Những ứng dụng kết nối đẩy nhanh sự lây lan của căn bệnh”. Chuyên gia này đang vận động chính phủ yêu cầu các công ty công nghệ đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ thanh, thiếu niên và truyền bá kiến thức về quan hệ tình dục an toàn. Ông Xiao cũng nhấn mạnh đây là trách nhiệm xã hội của các ứng dụng hẹn hò ảo, mạng xã hội.
Tại Trung Quốc, giáo dục giới tính với học sinh cũng mới chỉ được xem là bắt buộc trong thời gian gần đây. Trong nhiều thập kỷ, các trường học tại quốc gia này yêu cầu học sinh tự học những kiến thức về sinh sản trong giờ sinh học. Hoặc một số trường có dạy vài buổi về chu kỳ kinh nguyệt cho học sinh. Tuy nhiên, các vấn đề như hành vi tình dục đúng đắn, xây dựng các mối quan hệ an toàn và giới tính, bản sắc thường bị bỏ qua hoặc cố tình né tránh.
Huang Haojie, Trung tâm LGBT Vũ Hán, dạy sinh viên đại học về cách phòng chống HIV vào năm 2019. Ảnh: Huang Haojie |
Zhang Renjie, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Xã hội Red Ribbon, ở Tô Châu, cho biết thanh, thiếu niên tại Trung Quốc thường "không biết cách từ chối quan hệ tình dục hoặc yêu cầu những cách thức mà họ muốn".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (China CDC), số bệnh nhân HIV mới ở độ tuổi 10 - 15 đã tăng từ 881 lên 3.388 trường hợp mỗi năm trong giai đoạn 2007-2017. Huang Haojie, Giám đốc Điều hành của Trung tâm LGBT Vũ Hán, tiết lộ tổ chức này từng tiếp nhận tư vấn cho một số bệnh nhân HIV ở độ tuổi 13 và 15.
“Hầu hết họ đều bị lây nhiễm qua đường tình dục”, ông Huang nói thêm. Theo vị này, trong một buổi học về HIV cho sinh viên năm nhất đại học vào năm 2017-2018, quan chức của trường đó đã yêu cầu Huang né vấn đề tình dục cụ thể. Huang tiết lộ, theo lời của người kia, bao cao su hay những thuật ngữ về hành vi giao cấu là chủ đề nhạy cảm với sinh viên.
Tuy nhiên, sự lây lan theo cấp số nhân của HIV tại Trung Quốc buộc mọi tổ chức giáo dục phải nhìn nhận khác. Năm 2019, 9 đại học mời Huang chia sẻ chi tiết và cụ thể về việc sử dụng bao cao su đúng cách cho sinh viên. Nguyên nhân là ban giám hiệu của một vài trường học đã phát hiện nhiều sinh viên nhiễm HIV.
Giữa tháng 10, Trung Quốc đã bắt buộc giáo dục giới tính tại các trường đại học khi đất nước này đứng trước tình trạng vấn đề quấy rối tình dục, bất bình đẳng giới và bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng nhanh chóng mặt. Quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2021.
Nhưng theo ông Huang, phần lớn xã hội Trung Quốc vẫn tin rằng khả năng lây nhiễm HIV đến từ các mối quan hệ đồng tính nam. Đây là nhận thức sai lầm. Cùng quan điểm, ông Xiao cũng lên tiếng chỉ trích nhiều trường tại quốc gia này có thái độ kỳ thị LGBT. Họ giáo dục học sinh, sinh viên không được có các mối quan hệ đồng tính hoặc không thử trở thành người thuộc giới tính thứ 3 vì nguy cơ nhiễm HIV cao.
Trên thực tế, năm 2020, 95% trong số bệnh nhân HIV mới là do lây nhiễm qua đường tình dục. 70% các bệnh nhân có mối quan hệ, bạn tình khác giới.
Nhiều người Trung Quốc vẫn cho rằng HIV là căn bệnh xảy ra ở các mối quan hệ đồng tính. Ảnh minh họa: Freepik. |
Cô đơn, tuổi già và tìm kiếm tình yêu với kiến thức lỗi thời
Ngoài thanh, thiếu niên, nhóm dân số khác bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng HIV đang gia tăng ở Trung Quốc là người già. Họ cô đơn, thiếu hiểu biết về tình dục dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm HIV mới.
Theo CDC Trung Quốc từ năm 2007 đến 2017, số bệnh nhân mắc mới trên 50 tuổi đã tăng hơn 11 lần từ 2.565 lên 29.860 mỗi năm.
Xã hội Trung Quốc đô thị hóa nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua. Hàng triệu thanh niên rời các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ để có cơ hội tốt hơn tại nhiều thành phố. Kết quả, hàng loạt người lớn tuổi bị bỏ lại một mình ở nhà. Họ thường cảm thấy cô đơn sâu sắc và chỉ có thể lấp đầy trái tim bằng cách tìm bạn tình mới.
Nhiều người lớn tuổi bỏ qua biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục vì quan niệm sẽ không thể nhiễm HIV - căn bệnh mà theo họ vốn là của người trẻ tuổi.
Shao Yiming, chuyên gia về HIV tại CDC Trung Quốc, tiết lộ với iFeng News cách đây không lâu, tổ chức này từng ghi nhận bệnh nhân nhiễm HIV lớn tuổi nhất là 93. Người này mới phát hiện mắc bệnh cách đó 2 năm. Ở tuổi 91, bệnh nhân thậm chí vẫn rất khỏe mạnh.
Theo ông Zhang Renjie, hầu hết người trung, cao niên thường không thích chia sẻ đời sống tình dục với người khác. Vì vậy, họ sử dụng các kiến thức lỗi thời khi quan hệ tình dục. Điều đó khiến nguy cơ mắc bệnh của họ cao hơn nhiều nhóm khác, bên cạnh lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Với một số chuyên gia, việc các ca mắc HIV mới đa phần lây nhiễm qua đường tình dục cũng có những điểm tích cực cần nhìn nhận.
Trước đây, Trung Quốc từng gặp vấn đề về tiêu chuẩn sức khỏe kém dẫn đến việc người dân bị nhiễm HIV khi hiến hoặc nhận máu. Từ giữa những năm 1990, các tỉnh ở Hà Nam, Trung Quốc, bắt đầu chiến dịch khuyến khích nông dân nghèo hiến máu để đáp ứng nhu cầu huyết thanh tăng cao từ nhiều công ty công nghệ sinh học.
Tuy nhiên, nhiều thiết bị lấy máu được tái sử dụng. Kết quả, lượng lớn người dân vô tình bị nhiễm HIV do bán máu. Theo Inkstone, một báo cáo từng tiết lộ hơn một triệu người đã nhiễm HIV thông qua chương trình này. Tuy nhiên, người nhiễm chính xác vẫn là một ẩn số.