Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm khiến trẻ biến chứng nặng khi cảm lạnh

Phụ huynh thường có tâm lý chung là rất lo lắng và tìm đủ mọi cách với hy vọng con mình sẽ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến trẻ bệnh nặng hơn.

Vào giai đoạn chuyển mùa, khoảng tháng 8-10, các bệnh lý về đường hô hấp cũng gia tăng ở trẻ em, nhất là cảm lạnh. Ảnh: Frutonyanya.

Vào giai đoạn chuyển mùa, khoảng tháng 8-10, các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng ở trẻ em, nhất là cảm lạnh. Trường hợp trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần biết chăm sóc cho trẻ đúng cách tại nhà cũng như biết khi nào phải đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Ho khi cảm lạnh có gây tổn thương phổi?

TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cho biết ho là phản xạ bảo vệ có lợi cho cơ thể trẻ. Nhờ có phản xạ ho, cơ thể có thể tống xuất đờm ra ngoài, làm đường thở thông thoáng, dễ thở hơn. Ngoài ra, ho còn giúp tống xuất mầm bệnh ra ngoài.

Trong một số trường hợp, trẻ ho quá nhiều sẽ khiến bị nôn ói, đau họng, ăn uống khó khăn, tức ngực, khó ngủ, khó sinh hoạt hoặc nghiêm trọng hơn là chảy máu mắt. Tuy nhiên, chúng ta chưa ghi nhận trường hợp ho nhiều gây tổn thương phổi.

Để giúp trẻ giảm bớt triệu chứng ho, bác sĩ Anh Tuấn hướng dẫn một số cách như:

  • Nếu trẻ ho nhiều, người lớn có thể sử dụng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược, an toàn, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
  • Giữ ấm cho trẻ, sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý.
  • Thường xuyên làm thông thoáng mũi cho trẻ, đặc biệt trước khi ngủ. Tình trạng chảy nước mũi khi trẻ nằm ngủ sẽ khiến mũi bị tắc, rất khó chịu. Mặt khác, nước mũi có xu hướng chảy từ tầng sau họng xuống họng làm trẻ ho nhiều vào ban đêm.
  • Cần tránh cho trẻ ăn uống quá no vào ban đêm vì có thể làm cho trẻ ho nhiều hơn.

Sai lầm khiến trẻ cảm lạnh nặng hơn

Khi trẻ bệnh, phụ huynh thường có tâm lý rất lo lắng, tìm đủ mọi cách với hy vọng con mình sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nguy hiểm.

Theo bác sĩ Tuấn, một số cha mẹ không cho con bị ho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng vì nghĩ rằng trẻ sẽ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác. Chỉ những trẻ bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước.

Tre cam lanh anh 1

Một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nguy hiểm. Ảnh: Dralamiskids.

Ngoài ra, không ít cha mẹ không cho bé uống sữa khi bé bị ho có đờm vì cho rằng điều này khiến con nôn ói. Tuy nhiên, khi vào trong dạ dày, sữa sẽ bị vón cục lại nên đây không phải nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây ói mửa. Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn, tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng các phương tiện giải nhiệt (máy lạnh, quạt) như bình thường, nhất là khi trẻ ho trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường. Điều này không làm trẻ dễ chịu hơn mà ngược lại khiến bệnh kéo dài và dễ trở nặng. Cha mẹ chỉ cần không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh quá 3 giờ, không bật nhiệt độ dưới 27 độ C.

Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, cũng lưu ý về những sai lầm khi sử dụng thuốc:

  • Lạm dụng kháng sinh: Trẻ bị cảm lạnh thông thường không cần kháng sinh vì chúng chỉ diệt được vi khuẩn. Dùng kháng sinh không đúng mục đích không mang lại hiệu quả, thậm chí còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, dị ứng ứng thuốc, vi khuẩn đề kháng kháng sinh.
  • Lạm dụng Paracetamol: Thuốc này chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Việc dùng thuốc hạ sốt như thuốc cảm không cần thiết, sẽ làm trẻ dễ toát mồ hôi và cảm lạnh hơn.
  • Lạm dụng thuốc ho, sổ mũi: Đây là những triệu chứng phổ biến khi trẻ bị cảm lạnh. Việc sử dụng thuốc ho, sổ mũi là cần thiết khi tình trạng này khiến trẻ khó chịu, biếng ăn, khó ngủ. Song, nhiều bậc phụ huynh lại có thói quen dùng thuốc của người lớn chia nhỏ, tự ước lượng theo tình trạng của chính mình mà không biết rằng thuốc không chỉ phụ thuộc vào cân nặng mà còn liên quan đến lứa tuổi. Nhiều loại thuốc ho rất tốt cho người lớn nhưng chứa các hoạt chất có thể khiến trẻ bị ngộ độc. Vì vậy, khi sử dụng thuốc ho cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và phù hợp với độ tuổi.

Khi nào cần đưa bé đến cơ sở y tế?

Theo bác sĩ Anh Tuấn, một số dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay bao gồm:

  • Ngủ li bì, không thể lay gọi, đánh thức được.
  • Trẻ ốm đến mức không thể uống nước được, uống bao nhiêu ói bấy nhiêu, lặp lại nhiều lần.
  • Các bé bị co giật, tím tái.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Bỏ bú (trẻ bị mệt đến mức không bú được hoặc bú không bằng 1/2 lượng sữa bình thường).
  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C trong 2-3 ngày không giảm.
  • Ho ra máu, ho khạc đờm màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi thối hoặc mủ.
  • Ho kéo dài không thuyên giảm sau một tuần dù đã được điều trị thích hợp.
  • Thở co lõm lồng ngực (khi hít vào vào phần dưới lồng ngực bị lõm và hóp vô).
  • Thở nhanh: Đếm được nhịp thở lúc bé nằm yên, không khóc, không bú. Bạn nhìn vào phần bụng của trẻ, mỗi lần ngực bụng nhấp nhô là một nhịp. Đếm trong vòng 60 giây, sau đó, bạn đối chiếu với ngưỡng thở nhanh (dưới 2 tháng tuổi, ngưỡng thở nhanh là 60 lần/phút; từ 2 tháng đến một tuổi, 50 lần/phút trở lên là thở nhanh. Trẻ trên một tuổi được coi là thở nhanh khi nhịp thở đạt từ 40 lần/phút trở lên.

Mọi điều bạn cần biết về khăn ướt vệ sinh cho bé

Khăn giấy ướt dùng để vệ sinh cho trẻ rất tiện lợi nhưng chúng không diệt được các loại virus, vi khuẩn.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm