Sáng chế ra thuốc sát trùng đã Lister trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực y tế dự phòng. |
Sáng chế này đã đưa ông trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực y tế dự phòng và là một trong những nhà khoa học có đóng góp lớn cho lịch sử y học thế giới.
Đầu thế kỉ XIX, vai trò của phẫu thuật trong điều trị bệnh tật và thương tổn đã được khẳng định. Rất nhiều bệnh nhân đã qua cơn thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi điều trị lại không thuyên giảm. Có những bệnh nhân tưởng như đã được cứu sống nhờ phẫu thuật nhưng lại chết dần chết mòn vì những biến chứng do phẫu thuật. Nguyên nhân không ai giải thích được và càng không biết làm cách nào để phòng chống hiện trạng này.
Cuối cùng, người tìm ra lời giải là bác sĩ Joseph Lister khi tìm ra vai trò của chất sát trùng trong khống chế bệnh lây nhiễm. Đây là mốc lịch sử quan trọng ngoại khoa, cũng là một trong những nỗ lực sớm nhất để kiểm soát và khống chế nhiễm trùng ngoại khoa.
Cuộc đời và sự nghiệp
Bác sĩ Joseph Lister (1827-1912), sinh ra trong một gia đình giàu có ở Upton (Essex, ngoại ô London) có cha là một thương nhân, nhà vật lý, nhà nghiên cứu quang học. Do sinh trưởng trong gia đình có truyền thống say mê nghiên cứu khoa học tự nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, Lister đã có được tính nghiêm túc và chặt chẽ trong phương pháp nghiên cứu khoa học.
Joseph Lister - 'cha đẻ' của thuốc sát trùng thế giới. |
Thời niên thiếu, ông được học tại nhiều trường học tốt nhất ở trong vùng. Cha Lister đã giúp con trai tìm hiểu cách sử dụng kính hiển vi, lịch sử tự nhiên. Ông đã thực hiện giải phẫu các động vật nhỏ và quan sát chúng dưới kính hiển vi. Đến năm 1852, Lister tốt nghiệp Đại học tổng hợp London hạng ưu với chuyên ngành y khoa. Ngay sau đó, ông chuyển đến làm việc cho một bệnh viện ở Edinburg (Scotland), trên cương vị là một bác sĩ phẫu thuật.
Sau khi tốt nghiệp, ông là thành viên của Trường Cao đẳng bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia và bác sĩ phẫu thuật tại nhà. Mùa thu năm 1853, Joseph Lister đến thăm Edinburgh và may mắn gặp gỡ bác sĩ phẫu thuật tài ba James Syme (sau này trở thành bố vợ của Lister) và trở thành trợ lý của ông. Joseph Lister đã tích cực tham gia hỗ trợ các ca phẫu thuật của bác sĩ James Syme tại Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh và trợ lý tại trường Đại học Edinburgh.
Đến ngày 24/4/1855, ông được bầu vào vị trí viện sĩ của Trường Cao đẳng bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia Edinburgh. Tháng 10/1855, Lister được bổ nhiệm làm giảng viên Trường Ngoại hình Edinburgh thay thế cho bác sĩ Richard James Mackenzie.
Tháng 10/1856, Joseph Lister trở thành giáo sư phẫu thuật Bệnh viện Hoàng gia Edinburgh. Năm 1860, Lister được phong hàm giáo sư giảng dạy môn phẫu thuật tại Trường Đại học Glasgow. Năm 1861, Joseph Lister đảm nhiệm chức vụ bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh xá Hoàng gia Glasgow.
Năm 1861-1865, khu vực Male Accident Ward do ông đảm nhiệm có đến 45-50% ca phẫu thuật cắt chân của ông đã chết vì nhiễm trùng máu. Ông nhận ra rằng, đối với các vết thương kín, mặc dù bị bầm giập nhiều nhưng sau khi điều trị vẫn dễ lành khỏi. Nhưng đối với những vết thương hở, người bệnh thường dễ bị nhiễm trùng nặng, khó chữa khỏi và gây nguy hại đến tính mạng. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng máu đã thúc đẩy Joseph Lister bắt đầu các thí nghiệm nghiên cứu thuốc sát trùng.
Bác sĩ Joseph Lister tìm ra vai trò của chất sát trùng trong khống chế bệnh lây nhiễm. |
Trong một cuộc thảo luận về vấn đề nhiễm trùng với giáo sư hóa học Thomas Anderson vào năm 1865, Lister được giới thiệu cuốn sách có nhan đề “Nghiên cứu về hiện tượng thối rữa” của nhà hóa học người Pháp Louis Pasteur. Lister thật ngạc nhiên và chú ý đến luận điểm của Pasteur cho rằng trong không khí có những mầm vi sinh vật. Đây chính là nguyên nhân gây hiện tượng lên men và thối rữa. Phải chăng ở nơi phòng mổ, không khí cũng chứa đầy những mầm bệnh đó? Lister suy nghĩ và đã tìm cách để làm sạch quá trình phẫu thuật.
Sáng chế ra thuốc sát trùng
Joseph Lister đã tìm thấy chất khử trùng acid carbonic thường được sử dụng để làm sạch cống rãnh. Nghĩ là làm, bác sĩ Lister quyết định thử nghiệm phương pháp tẩy trùng bằng acid carbonic cho các trường hợp vết thương hở. Những gạc sát trùng ông tẩm acid carbolic (nay là phenol).
Năm 1865, ông đã thành công khi dùng acid carbonic để khử trùng vết thương của cậu bé James Greenlees và dùng gạc sát trùng tẩm acid carbonic băng kín lại, đồng thời thường xuyên thay gạc. Sau 4 ngày, vết thương của cậu bé hoàn toàn không có dấu hiệu nhiễm trùng, nhanh khô, không có chút mủ nào và liền sẹo rất nhanh. Từ đó trở về sau, Joseph Lister luôn yêu cầu các đồng nghiệp của mình sử dụng acid carbolic 5% để tẩy trùng tay, dụng cụ phẫu thuật. Sau đó, nhiều bác sĩ đã thực hiện khử trùng và tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm trùng máu đã giảm.
Với quan điểm không khí cũng có vi khuẩn, vào năm 1870, Lister quyết định dùng acid carbonic bơm vào và rải đều trong không khí phòng mổ để làm sạch. Tuy nhiên, đây là thử thách rất khó khăn vì acid carbolic dưới dạng hơi có thể gây độc cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Cùng đó, phẫu thuật viên rửa tay bằng acid carbonic có thể ngứa da và viêm da dị ứng. Hơn nữa khi dùng acid carbonic rửa vết thương, thuốc ngấm vào bên trong có tác dụng diệt khuẩn đồng thời gây hoại tử tổ chức. Chính vì những tồn tại này mà kỹ thuật sát trùng của Lister sau đó được thay thế bằng kỹ thuật hoàn thiện hơn: kỹ thuật vô trùng.
Tuy nhiên, kỹ thuật vô trùng của Lister không được đồng nghiệp hưởng ứng vấp phải nhiều phản đối. Nhưng ở một số nước khác, đặc biệt là ở Đức, phương pháp của Lister được áp dụng rộng rãi. Từ năm 1875, phương pháp của Lister được phổ biến sang các nước châu Âu. Dần dần phương pháp này được phổ biến và áp dụng tại Mỹ. Cuối cùng, các nhà khoa học trên quê hương Lister thừa nhận các sáng kiến của ông.
Năm 1880, Lister nhận văn bằng danh dự của Trường đại học Oxford và Cambridge. 3 năm sau, ông được phong huân tước. Đến năm 1895, Lister được bầu làm chủ tịch Hội Hoàng gia. Hai năm sau ông trở thành Thượng nghị sĩ Anh. Đây là lần đầu tiên một bác sĩ được trao vinh dự này.
Sau một thời gian dài tham gia nghiên cứu khoa học, ngày 10/2/1912, Joseph Lister qua đời ở Walmer (Kent) hưởng thọ 85 tuổi.
Các loại thuốc sát trùng khác ra đời
Ngày nay, acid carbonic đã không còn được sử dụng rộng rãi trong việc kiểm soát và khống chế nhiễm trùng ngoại khoa, song phát hiện lịch sử này đã đưa Joseph Lister trở thành một trong những nhà y học vĩ đại nhất lịch sử. Ông được coi là cha đẻ của thuốc sát trùng.
Với nền y học hiện đại, nhiều loại thuốc sát trùng đã được sáng chế có thể tiêu diệt được tất cả các vi khuẩn. Ngày nay, một số thuốc sát trùng thường hay được sử dụng: Oxy già, cồn (ethanol), các chế phẩm chứa iod, các chế phẩm chứa bạc, chlorhexidin.