Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, việc mua và sử dụng các loại thuốc kháng sinh tại Việt Nam khá dễ dàng. Thay vì mua theo đơn thuốc sau khi thăm khám, bệnh nhân có thể dễ dàng tới các hiệu thuốc gần nhà, mô tả triệu chứng cho dược sĩ và ngay lập tức được kê đơn điều trị.
Mua thuốc dễ dàng
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Mai Đăng (nữ, 27 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết nhận thấy bản thân có sốt nhẹ, kèm ho, hắt hơi, cơ thể mệt mỏi sau một sáng tỉnh dậy.
Do thời tiết tại TP.HCM những ngày qua thay đổi thất thường, Đăng nghĩ mình bị cảm nên quyết định cố gượng ra hiệu thuốc gần nhà để tìm mua thuốc điều trị.
Tại đây, cô gái trẻ mô tả các triệu chứng của mình và được dược sĩ kê đơn một số loại thuốc cùng lời căn dặn về hướng dẫn liều dùng, thời điểm uống.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, các biểu hiện như sốt, ho, mệt mỏi vẫn không thuyên giảm.
Các loại thuốc Đăng được kê sau khi mô tả triệu chứng với dược sĩ. Ảnh: NVCC. |
“Trước đây, tôi cũng nhiều lần bị cảm và mua thuốc uống như vậy. Đa phần đều khỏi hoặc đỡ ngay sau 1-2 ngày. Vì thế lần này, khi tình trạng bệnh không giảm, tôi thấy khá lo lắng”, Đăng chia sẻ.
Do nghi ngờ mình đã mắc Covid-19, Đăng sau đó nhờ bạn cùng phòng mua giúp một hộp test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Không ngoài dự đoán, kết quả cho thấy cô dương tính với nCoV.
“Thú thực, tôi khá lười đi khám tại phòng khám, bệnh viện. Mua thuốc như thế này tiện hơn”, Đăng nói.
Cũng có thói quen tìm tới các hiệu thuốc khi mắc bệnh, Nguyễn Thục Anh (nữ, 27 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ cô thường xuyên tới địa chỉ hiệu thuốc gần nhà để “nhận chẩn đoán” và kê thuốc.
“Bệnh gì tôi cũng tới mua ở đây, từ Covid-19 đến mẩn ngứa, côn trùng cắn…”, Thục Anh cho hay.
Gần nhất, khi người bạn cùng nhà có triệu chứng nôn, tiêu chảy, mệt mỏi. Do nghi ngộ độc thực phẩm, Thục Anh cũng tìm tới hiệu thuốc này để mô tả tình trạng sức khỏe của bạn và mua thuốc.
Không chỉ người trẻ, đây cũng là thói quen của nhiều người lớn tuổi. Bà Vũ Thị Thu (45 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) cũng tìm tới một hiệu thuốc trên đường Kim Mã để được kê đơn và mua kháng sinh cho con trai.
“Con tôi vừa lên lớp 8, sốt cao đã 2 ngày. Trước đây, cháu cũng nhiều lần ốm và uống thuốc do dược sĩ ở đây kê đơn khỏi nên lần này tôi lại tới mua. Giờ cứ cảm cúm, ốm lặt vặt lại đi khám bệnh viện thì tốn kém quá, lại hơi bất tiện”, bà Thu chia sẻ.
Nguy cơ với cả bệnh nhân và cộng đồng
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết về nguyên tắc, mọi loại thuốc kháng sinh khi đưa ra sử dụng trong cộng đồng một thời gian, vi khuẩn cũng sẽ tự biến đổi để kháng lại chúng.
“Đây là cơ chế sinh tồn cơ bản của vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu quản lý kháng sinh tốt, chúng ta sẽ giữ được hiệu quả của các loại kháng sinh bền hơn, thường là vài chục năm. Ngược lại, nếu quản lý không tốt, có thể chỉ sau 2-3 năm, vi khuẩn đã kháng được tất cả loại kháng sinh trên thị trường”, vị chuyên gia giải thích.
Song song với đó, tốc độ nghiên cứu kháng sinh mới nhiều khả năng sẽ không bắt kịp tốc độ kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng sau khi có các triệu chứng sốt thời gian qua tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: CL. |
BS khẳng định: “Từ đây, đến một thời điểm nhất định, chúng ta sẽ hết thuốc để điều trị”.
Bởi vậy, để hạn chế nguy cơ kháng kháng thuốc, bản thân người dân cũng như các bác sĩ cần nỗ lực giữ lại vũ khí của mình (thuốc kháng sinh), sử dụng phù hợp để duy trì tính bền vững.
Việc làm này vừa giúp đảm bảo nguồn thuốc điều trị, đồng thời có giá trị về mặt kinh tế, khi những loại thuốc đã được phát minh từ lâu, hết hạn bản quyền, sẽ có giá thành rẻ hơn.
Mặt khác, hành động sử dụng kháng sinh bừa bãi, thiếu kiến thức, không đánh giá được diễn biến bệnh sẽ làm tăng nguy cơ các loại vi khuẩn gây bệnh cho con người.
“Việc kê thuốc kháng sinh bừa bãi không chỉ khiến các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc, ngay cả những vi khuẩn lành tính đang cư trú trên cơ thể cũng tiếp xúc và kháng loại thuốc đó”, BS Cấp cảnh báo.
Từ đây, đến một thời điểm nhất định, khi cơ thể suy yếu, những vi khuẩn này - vốn có sẵn đặc tính kháng thuốc - sẽ bùng phát lên và gây bệnh. Lúc này, việc điều trị sẽ rất khó khăn
Trên thực tế, BS Nguyễn Trung Cấp cho hay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tự ý uống thuốc, kháng sinh từ trước và gây khó khăn trong việc xây dựng phác đồ cũng như điều trị của bác sĩ.
“Việc lựa chọn kháng sinh điều trị cho những bệnh nhân này tại bệnh viện khi đó sẽ rất khó khăn do nhiều loại thuốc không còn hiệu quả”, vị chuyên gia nói.
Theo ông, nguyên tắc sử dụng kháng sinh, bên cạnh chọn đúng thuốc, còn là chọn được liệu trình phù hợp, liều lượng hợp lý với từng thể trạng. Nhờ đó, việc điều trị mới đảm bảo hiệu quả, tính an toàn cũng như tránh tình trạng kháng kháng sinh.
“Nhiều người dân hay một số cơ sở kinh doanh thuốc đôi khi có suy nghĩ quá đơn giản. Đó là cứ kê thuốc cho bệnh nhân hoặc người nhà ở thời điểm này đã, ít nhất là thoát được đợt bệnh này với giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, câu chuyện không dễ dàng như vậy”, BS Cấp nhận định.
Thực tế, việc sử dụng kháng sinh không đúng thời gian, không đủ liều sẽ không đem lại hiệu quả, đồng thời khiến tình trạng kháng thuốc trầm trọng hơn.
Hiện vẫn còn nhiều phụ huynh quan niệm có thể cho con dùng kháng sinh nhẹ, liều thấp một chút để đảm bảo an toàn.
“Tuy nhiên, đây là hành vi rất nguy hiểm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.