Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm phụ nữ thường mắc phải khi mang thai

Việc bỏ bữa, tự ý sử dụng thuốc, hạn chế hoạt động thể chất khi mang thai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, sức khỏe của người mẹ và thai nhi.

Khi mang thai, cơ thể của phụ nữ thay đổi rất nhiều. Từ việc thay đổi nồng độ hormone đến cân nặng, ngực và các bộ phận khác của cơ thể, nhiều điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ những điều nên và không nên làm khi mang thai. Do đó, phụ nữ đang mong muốn có thai hoặc đang mang thai cần tránh những sai lầm dưới đây để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.

Bỏ bữa

Theo India Times, chán ăn và buồn nôn khi mang thai là điều bình thường. Ngoài ra, sở thích ăn uống của bạn cũng có thể thay đổi trong thời gian này. Các nghiên cứu cũng chứng minh khoảng 6-10 phụ nữ chán ăn khi mang thai.

Tuy nhiên, chán ăn không đồng nghĩa với việc bỏ bữa. Điều này có thể không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong vài tháng đầu thai kỳ. Đây là thời điểm quan trọng để các cơ quan của em bé được hình thành và phát triển, vì vậy, cơ thể người mẹ phải tăng nhu cầu về một số khoáng chất và chất dinh dưỡng.

Sai lam pho bien o phu nu mang thai anh 1

Việc nôn nghén, mệt mỏi khi mang thai khiến phụ nữ chán ăn, bỏ bữa. Ảnh: Bellefit.

Ăn cho hai người

Theo Fox News, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology cho thấy gần 50% phụ nữ tăng nhiều hơn số cân được khuyến nghị khi mang thai, thậm chí gây béo phì, thừa cân.

Tuy nhiên, phụ nữ bị béo phì trong thời kỳ mang thai tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và sinh khó, tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật, ngưng thở khi ngủ và đông máu. Thậm chí, trẻ sinh ra từ những bà mẹ béo phì cũng có nhiều khả năng bị dị tật bẩm sinh và nguy cơ béo phì trong tương lai.

Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ khuyến nghị phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường nên nạp thêm 340 calo mỗi ngày trong 3 tháng giữa thai kỳ và thêm 450 calo mỗi ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Nếu bạn đang mang song thai, đa thai, thừa cân hoặc béo phì khi bắt đầu mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn dinh dưỡng phù hợp.

Tự mua thuốc

Trong thời kỳ mang thai, bạn có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe bao gồm đau đầu, đau cơ, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa,... Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tự mua thuốc.

Phụ nữ mang thai phải hạn chế sử dụng thuốc kháng axit, paracetamol hoặc thậm chí là kem trị mụn. Tự dùng thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ. Sử dụng thuốc không kê đơn, tự dùng thuốc hoặc trải qua các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp có thể dẫn đến những bất thường bẩm sinh ở thai nhi.

Ngoài ra, nhiều người cũng lo lắng cơ thể bị thiếu chất khi mang thai nên tự ý bổ sung quá liều vitamin. Việc uống quá nhiều vitamin và thuốc bổ có thể gây tác dụng phụ với em bé.

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không ổn, hãy gọi cho bác sĩ và hỏi ý kiến ​về việc có cần dùng thuốc hay không. Nếu bạn nhận thấy rằng vitamin và sắt bổ sinh trước khi sinh khiến bạn cảm thấy buồn nôn, hãy nói chuyện với bác sĩ để thay đổi nhãn hiệu.

Hạn chế hoạt động thể chất

Mang thai có thể khiến phụ nữ khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ. Nhiều người thậm chí còn tin rằng phụ nữ mang thai không nên hoạt động thể chất. Tuy nhiên, điều này không đúng.

Trong khi phụ nữ mang thai cần hạn chế lao động nặng nhọc, các bài tập nhẹ và đi bộ có thể có lợi cho sức khỏe của bạn và em bé. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp chống lại các kích thích tố gây căng thẳng, tăng cường tuần hoàn, chuẩn bị cho cơ thể sẵn sàng chuyển dạ và sinh nở, đồng thời hỗ trợ thai nhi phát triển và tăng trưởng.

Sai lam pho bien o phu nu mang thai anh 2

Lười vận động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai, gây mệt mỏi, căng thẳng. Ảnh: Mominformed.

Lựa chọn chăm sóc sức khỏe vội vàng

Thai kỳ khỏe mạnh đòi hỏi phải có kế hoạch tốt và thông minh. Bạn không nên do dự khi lựa chọn bác sĩ tốt nhất để chăm sóc cơ thể khi mang thai. Trước khi bạn quyết định chọn bệnh viện hoặc phòng khám, hãy tự hỏi bạn thích loại sinh nào, liệu bác sĩ và bệnh viện có đủ khả năng để hỗ trợ quyết định đó hay không.

Đặc biệt, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có cảm thấy thoải mái với bác sĩ đang khám cho mình không, họ có trả lời kỹ càng những thắc mắc của bạn về quá trình mang thai và sinh nở không. Nếu không, hãy nói chuyện với bạn bè và tìm kiếm thêm nhiều lựa chọn khác.

Dừng làm việc

Nhiều phụ nữ khi bắt đầu mang thai tạm dừng công việc, sở thích hoặc những kế hoạch khác để tập trung vào thai kỳ.

Tuy nhiên, mang thai cũng giống những giai đoạn bình thường khác của cuộc đời. Bạn phải tận hưởng giai đoạn quý giá này. Hạn chế hoặc dừng các sự kiện và hoạt động thường ngày khác trong thời gian này sẽ chỉ khiến bạn không còn vui vẻ, hạnh phúc. Tự bó buộc bản thân sẽ tạo ra căng thẳng và áp lực.

Bạn không nên khiến cuộc sống của mình bị trì trệ, thay vào đó, duy trì thói quen lành mạnh và bình thường sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này tốt và nhanh hơn.

Những thay đổi của phụ nữ khi mang thai và sau sinh

Cơ thể phụ nữ có thể thay đổi nhiều trong quá trình mang thai, thậm chí không biến mất sau vài năm sinh con.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm