T
ại Hà Giang, sau rà soát và chấm thẩm định, tổ công tác của Bộ GD&ĐT xác định 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh bị can thiệp điểm.
Trong khi đó, kết thúc đợt làm việc tại Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT tại Sơn La - khẳng định tính chất sự việc ở Sơn La khác với Hà Giang và rất nghiêm trọng.
Thậm chí, tổ công tác thấy những bất thường vượt quá khả năng, nhiệm vụ của mình nên đã cùng các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an vào cuộc làm rõ.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được số lượng bài thi bị sửa chữa, vì thế chưa thể khôi phục điểm thực chất để trả lại công bằng cho thí sinh.
Thủ đoạn tinh vi, khó khôi phục điểm thực chất
Theo ông Mai Văn Trinh, quá trình rà soát nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD&ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu gửi lên Bộ GD&ĐT giữ trước khi chấm thi hoàn toàn giống nhau.
Ông Trinh lý giải đây là lý do tổ công tác không chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm ở Sơn La như ở Hà Giang. Trước mắt, Bộ GD&ĐT tạm thời công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của thí sinh đã được công bố ngày 11/7. Điều này đồng nghĩa không đảm bảo công bằng cho những em trung thực.
Để tìm lại điểm thực của những bài bị nghi ngờ gian lận, cơ quan chức năng cần khôi phục bài thi ban đầu hoặc tìm ra ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Cả hai việc này đều không hề đơn giản.
Bộ GD&ĐT tạm thời công nhận điểm thi của thí sinh Sơn La vì chưa xác định được số lượng bài thi bị sửa chữa. Ảnh: Bá Chiêm. |
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - nhận định việc khôi phục bài thi gốc là gần như không thể. Khi làm bài trắc nghiệm, thí sinh có quyền tẩy đi, tô lại. Do đó, bài có dấu hiệu sửa chữa chưa chắc đã được can thiệp để nâng điểm.
Ông Vinh nói thêm một trong những điểm yếu của thi trắc nghiệm là không để lại bút tích. Rất khó xác định ai là người sửa chữa, trừ khi công tác giám định cho thấy có vân tay của nghi phạm trên bài thi. Thậm chí, khi đã tìm ra đối tượng sửa điểm, công việc xác định số bài, số lượng câu bị sửa cũng rất khó.
Do đó, ông Vinh cho rằng, cách khắc phục tốt nhất là để trường đại học sàng lọc thí sinh không đạt điểm thi THPT quốc gia thực chất trong quá trình học tập.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng nói việc khôi phục bài thi của tỉnh Sơn La rất khó khăn, trừ khi tìm được đĩa CD quét bài thi gốc.
“Trường hợp không tìm được đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc, cách duy nhất là Bộ Công an phải vào cuộc điều tra. Tôi nghĩ nếu quyết tâm làm tới cùng, công an có thể điều tra ra dấu vết tẩy xóa, chỉnh sửa trên bài thi của thí sinh và phân biệt được đâu là đáp án do thí sinh chọn, đâu là đáp án do người khác chỉnh sửa. Viện Khoa học Hình sự có thể nhận biết được dấu hiệu như vết tô cũ, mới, vết tẩy xóa…, kể cả việc giám định dấu vân tay để xác định bài thi nào có sửa chữa, tẩy xóa”, ông Hoàng nói.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ Thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, lại cho rằng khả năng khôi phục điểm gốc của các thí sinh tại Sơn La gần như bằng không.
Kể cả có tìm được đĩa CD gốc, chuyên gia công nghệ thông tin cũng chỉ khôi phục được khoảng 90% dữ liệu, không có khả năng khôi phục 100% dữ liệu gốc. Trường hợp may mắn khôi phục được 99,99% dữ liệu bài thi cũng không được phép căn cứ vào dữ liệu đó để ấn định điểm thực của thí sinh.
“Nếu 0,01% sai số rơi vào những thí sinh trung thực thì rất oan uổng cho các em. Do đó, nếu còn khả năng sai số thì chúng ta không thể dùng dữ liệu này để kết luận điểm thi cuối cùng của thí sinh tại Sơn La”, ông Tài nêu quan điểm.
Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ Thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, cũng đặt câu hỏi đĩa dữ liệu gốc không biết đi đâu, rất đáng ngờ.
Trong trường hợp không khôi phục được dữ liệu gốc và điểm thi chính xác của thí sinh, ông Tài đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức lại kỳ thi THPT quốc gia cho các thí sinh tỉnh Sơn La, dùng đề thi dự bị và kinh phí do địa phương chi trả, vì để xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, ông Tài cũng thừa nhận việc tổ chức lại kỳ thi cho các thí sinh tỉnh này sẽ rất phức tạp.
Thí sinh trượt tốt nghiệp có thể đỗ đại học
Một điểm khác khiến sai phạm tại Sơn La nghiêm trọng hơn ở Hà Giang là đối tượng ở tỉnh này thực hiện hành vi vi phạm quy chế thi kín kẽ hơn.
Tại Hà Giang, hành vi di chuyển hòm đựng bài thi khỏi khu vực quy định của ông Vũ Trọng Lương bị phát giác vào ngày 7/7, tức là khi đang diễn ra chấm thi. Việc này đã được Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang báo cáo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các cấp, Thanh tra Bộ GD&ĐT vào ngày 10/7.
Phân tích dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT cung cấp cho thấy Sơn La chỉ đứng sau Hà Giang trong danh sách top 15 tỉnh thành có số lượng bài thi ở 5 khối chính đạt từ 27 điểm trở lên. Đồ họa: Lê Nhân. |
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng nắm manh mối, lần lượt phát hiện các sai phạm dẫn đến việc khởi tố hình sự vụ gian lận điểm thi, bắt tạm giam hai đối tượng liên quan là ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài.
Ở Sơn La, sau rà soát, tổ công tác của Bộ GD&ĐT xác minh ban đầu những người liên quan vi phạm quy chế thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, người trực tiếp sửa chữa bài thi hay làm mất dữ liệu gốc vẫn chưa được tìm ra (hoặc chưa được công bố).
Việc khó khôi phục điểm thực của bài thi gốc sẽ kéo theo nhiều hậu quả khôn lường. Ngoài mất lòng tin xã hội, không ai biết điểm thật của bài thi nghi vấn là bao nhiêu. Thậm chí, một kịch bản xấu nhất hoàn toàn có thể xảy ra là thí sinh đúng ra trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt nhưng lại đỗ đại học.
Trước đó, trường hợp thí sinh từ đạt điểm cao đến trượt tốt nghiệp sau rà soát đã diễn ra ở Hà Giang.