Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

TL;DR

'Sai phạm trong cách ly sẽ phá hỏng mọi nỗ lực chống dịch Covid-19'

"Ngay từ những ngày đầu có quyết định đưa khách sạn thành khu cách ly tập trung, tôi đã lo lắng và cảnh báo nguy cơ từ đây rất lớn", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với Zing.

Sai pham trong cach ly tap trung anh 1

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam đang chuyển biến rất phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm và ổ dịch cùng lúc.

Nguồn gốc gây ra hàng loạt chuỗi lây nhiễm này lại xuất phát từ nơi mà ngành y tế tự tin nhất, đó là khu cách ly tập trung người nhập cảnh. Vấn đề đặt ra là nếu không nhanh chóng vá lỗ hổng này, có thể sẽ xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác.

Từ lỗ hổng nhỏ thành ổ dịch lớn

Chia sẻ với Zing, ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Bến Tre), nhấn mạnh cách ly tập trung là một trong những biện pháp quan trọng để việc kiểm soát việc lây nhiễm SARS-CoV-2.

Đây là biện pháp đầu tiên khi phát hiện mầm bệnh, giúp khoanh vùng, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, trước khi tiến hành các giải pháp khác như 5K, vaccine…. Chính vì vậy, tất cả địa phương phải tăng cường quản lý cách ly ở mức độ cao nhất.

Sai pham trong cach ly tap trung anh 2

Lực lượng chức năng quận Bình Tân khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp người dân sống cùng hẻm với ca mắc Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

“Nếu không cách ly nghiêm ngặt, chúng ta không thể khoanh vùng, kiểm soát được mức độ lây lan của virus, đặc biệt là các biến chủng. Trong giai đoạn dịch nhạy cảm, chúng ta cần nâng biện pháp cách ly lên tầm cao hơn, song song nâng kỷ luật cách ly lên mức độ cao hơn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Bàn về vấn đề nhiều địa phương để xảy ra lây nhiễm nCoV trong cộng đồng từ khu cách ly và người sau cách ly, ông nhấn mạnh đây là những lỗ hổng rất lớn trong cách ly và kiểm soát người cách ly.

Chúng ta cần nâng biện pháp cách ly lên tầm cao hơn, song song nâng kỷ luật cách ly lên mức độ cao hơn.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

“Thứ nhất, chúng ta cần xem xét động cơ, nguyên nhân người trốn cách ly, ai tạo điều kiện để người cách ly tự do di chuyển, các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, kỷ luật để thực hiện tốt chưa, người hết cách ly ra ngoài cộng đồng có được quản lý chặt chẽ chưa”, ông Nhưỡng nói.

Chia sẻ về việc tình trạng mở rộ khách sạn trở thành khu cách ly tập trung, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, nói: "Ngay từ những ngày đầu có quyết định đưa khách sạn thành nơi cách ly, tôi đã lo lắng và cảnh báo nguy cơ rất lớn từ khu vực này. Thực tế, cách ly tại khách sạn khác xa so với cách ly tập trung do quân đội và ngành y tế quản lý".

Chuyên gia này cho biết nhân viên khách sạn không thể có chuyên môn bài bản như nhân viên y tế và dễ xảy ra sai sót, lơ là nếu không được tập huấn kỹ lưỡng. Trong khi đó, các quy tắc về tiếp xúc, khoảng cách tiếp xúc, lối đi riêng, rác thải… của người cách ly cũng cần phải làm theo quy định và xử lý bài bản.

Việt Nam triển khai khu cách ly tại khách sạn để giải quyết nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần làm đúng, tập huấn và giám sát thật kỹ. Lực lượng y tế không được phó mặc cho khách sạn tùy ý quản lý người cách ly. Sự kiểm soát không sát sao, nghiêm ngặt gây ra hậu quả lớn.

"Chính những sai phạm, lỗ hổng trong cách ly sẽ phá hỏng mọi nỗ lực chống dịch Covid-19 của chúng ta từ trước đến nay", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Nhanh chóng vá lỗ hổng trong cách ly

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, nhấn mạnh chuỗi lây nhiễm liên quan việc cách ly và quản lý người sau khi kết thúc cách ly tại Yên Bái, Hà Nam, Đà Nẵng... cho thấy sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cách ly với bộ phận bên ngoài còn thiếu. Người hết cách ly tập trung ra ngoài lúc nào, bàn giao cho ai cần được phối hợp chặt chẽ.

“Chính vì thiếu biện pháp phối hợp trong hành động nên mới có trường hợp 'đánh trống bỏ dùi'. Tôi cho rằng các địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm tất cả vấn đề trên và đề ra phương hướng giải quyết thích đáng. Nếu không có hình thức xử lý thì không đủ sức răn đe. Đặc biệt, người lãnh đạo cần có trách nhiệm”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh sai sót không nằm ở quy trình và phương pháp cách ly mà vấn đề ở người thực hiện. Do đó, chúng ta cần ngay lập tức xem xét lỗ hổng nằm ở đâu và kịp thời vá lại, điều chỉnh cách quản lý, thái độ chấp hành của người cách ly.

Sai pham trong cach ly tap trung anh 3

Cán bộ y tế quận 1 giám sát tình hình quản lý người cách ly tại khách sạn qua hệ thống camera. Ảnh: HCDC.

Chia sẻ với Zing về cách thức quản lý khu cách ly tập trung tại khách sạn, một lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 1 (TP.HCM) cho rằng: "Các địa phương không nên phó mặc cho khách sạn tự quản lý khu cách ly".

Cơ quan y tế phải có trách nhiệm trong việc này. Sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận, huyện thay phiên kiểm tra, giám sát hoạt động, nhắc nhở thường xuyên.

Các vấn đề sai sót thường gặp ở khu cách ly khách sạn là quá tải dẫn đến không tuân thủ khoảng cách, thu gom rác thải, phun khử khuẩn, không thiết kế lối đi riêng, người cách ly tự do đi lại trong khu vực khách sạn.

Các địa phương không nên phó mặc cho khách sạn tự quản lý khu cách ly.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 1 (TP.HCM)

“Về nguyên nhân gây ra đợt lây nhiễm từ khu cách ly, tôi cho rằng có thể họ quản lý không chặt chẽ, kiểm soát lỏng lẻo, không đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn. Sự việc người lễ tân khách sạn ở Yên Bái bị lây nhiễm có thể là do không tuân thủ khoảng cách, khử khuẩn, người cách ly tự do ra vào khu vực hành lang”, vị lãnh đạo này cho biết.

Về tình hình quản lý các khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tại quận 1, người này cho biết quận có khá nhiều khách sạn đăng ký làm nơi cách ly. Điều đáng mừng là cách khách sạn này tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch.

Dù vậy, bác sĩ này cũng thừa nhận giai đoạn đầu, nhiều khách sạn còn lơ là, chủ quan trong kiểm soát người cách ly. Trước đó, một khách sạn ở quận 1 có hành vi đăng ký nhận khách nhiều hơn mức cho phép, dẫn đến không tuân thủ giãn cách trong khu cách ly. Qua kiểm tra, chính quyền quận 1 đã cho giải thể khu cách ly tại khách sạn này.

“Kể từ đó, các khách sạn khác lấy làm bài học kinh nghiệm và tuân thủ rất nghiêm, một mặt họ cũng sợ làm không tốt thì sẽ buộc phải giải thể. Trong suốt 4 ngày lễ 30/4 và 1/5, chúng tôi hầu như ngày nào cũng kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn để phòng ngừa tình huống không mong muốn”, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 1 nói.

Lỗ hổng trong quản lý cách ly khiến dịch Covid-19 bùng phát

Những lỗ hổng trong quản lý tại khu cách ly tập trung và người sau khi kết thúc cách ly là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra đợt bùng phát dịch Covid-19.

Dịch Covid-19

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm