- Em ơi, xuống lấy hàng.
- Em tặng anh luôn.
Đây là những điều Lê Thị Thanh Thảo (sinh sống tại Hà Nội) tưởng tượng mình sẽ nói vui với shipper khi nhận cuộc điện thoại thông báo ra nhận gói hàng cô đã đặt từ trước Tết.
"Nghĩ đến cảnh hết Tết mới nhận được những bao lì xì (được đặt mua để dùng trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024 - PV) khiến tôi vừa tức, vừa buồn cười. Tôi nghĩ anh shipper 'ruột' sẽ không giận khi tôi nói đùa về việc bom hàng, bởi dù sao tôi cũng đã thanh toán ngay khi đặt", Thảo chia sẻ vui với Tri Thức - Znews.
Đợi 12 năm để dùng đồ trang trí hình con rồng
Vì tính chất công việc bận rộn, Thảo thường sắm Tết online để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, cô không hiểu sao tất cả đơn hàng khác đều giao kịp trước Tết, riêng bao lì xì và phụ kiện trang trí thì đến nay vẫn chưa xuất kho. Tổng tiền cho đơn hàng rơi vào khoảng 300.000 đồng.
"Tôi đặt hàng ngay trong đêm 31/1 của một shop (cửa hàng) nội thành Hà Nội, cùng quận và chỉ khác phường tôi sinh sống. 9h hôm sau, tôi cẩn thận nhắn tin hối thúc shop để đảm bảo hàng được giao trước khi tôi về quê vào mùng 5 Tết Âm lịch. Shop đồng ý, hẹn chiều sẽ gửi hàng ra bưu cục và cam đoan giao hàng theo nguyện vọng của tôi. Vậy mà cuối cùng lại 'bặt vô âm tín'", Thảo chia sẻ.
Những ngày sau đó, Thảo liên tục theo dõi thông tin vận chuyển để xem kiện hàng đi đến đâu, song đành từ bỏ hy vọng khi shop không phản hồi tin nhắn và lịch cũng "nhích dần" sang mùng 4 Tết.
Do bận rộn, nhiều bạn trẻ chọn sắm Tết online nhưng dịch vụ giao hàng dịp này khá căng thẳng, nên cả bên mua và bên bán nên xem xét kỹ lưỡng. Ảnh minh họa: Dakota Post. |
"Tôi đoán shop có quy mô nhỏ nên không có nhân viên trực hộp thư. Tôi cũng rất tiếc vì không thể mừng tuổi ông bà, bố mẹ bằng số tiền đựng trong vải gấm màu đỏ. Tôi đã tránh shop quốc tế hoặc shop nội địa yêu cầu mua số lượng lớn, vậy mà không thoát được 'kiếp nạn' hàng chậm trễ", Thảo dở khóc dở cười.
May mắn thay, bao lì xì in hình lân - linh vật phù hợp cho mọi năm - nên Thảo có thể để dành sử dụng vào Tết năm sau. Thảo cũng nghĩ một cách lạc quan rằng đó là "tín hiệu vũ trụ" động viên bản thân cố gắng làm việc, tích lũy tiền bạc để mừng tuổi những người thân yêu trong gia đình.
Dẫu vậy, Thảo gặp tình huống trớ trêu hơn với đồ trang trí có hình rồng và các hoạ tiết liên quan. Nhẩm lịch một lát, cô nói đùa với Znews là mình cần đợi đến năm 2036 mới có thể sử dụng chúng.
Tết vừa qua, Thảo đành "chữa cháy" bằng cách mua bao lì xì hình chibi hoặc tận dụng bao lì xì trong những giỏ quà Tết. Đối với quần áo, Thảo không đặt hàng online mà chọn mua trực tiếp tại cửa hàng để mặc thử, tránh đổi trả nhiều lần.
Đúng người, sai thời điểm
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện bài đăng của nhiều fanpage với nội dung:
Mùng 6 Tết
Anh shipper: Em ơi ra lấy áo dài cách tân trẻ trung đón Tết nè!
Bên dưới bài đăng, không ít tài khoản bình luận vui: "Coi như sắm Tết 2025 sớm", "Bảo anh shipper mang về mà dùng", "Giao bây giờ đúng là để mặc Tết - Tết Trung thu"...
Nguyễn Thanh Quỳnh (26 tuổi, làm thiết kế, ngụ quận 7, TP.HCM) cũng rơi vào tình huống trớ trêu như vậy.
Sáng 16/2, khi đang họp catch up (cập nhật) công việc đầu năm tại công ty, Quỳnh bất ngờ nhận được điện thoại của shipper báo xuống nhận hàng. "Đúng người, sai thời điểm" là suy nghĩ trong đầu Quỳnh sau cuộc điện thoại.
Áo sơ mi dáng dài của Quỳnh. Ảnh: NVCC. |
Vốn thích áo dài, Quỳnh không nghĩ nhiều liền đặt một chiếc trước Tết cả tháng để mặc du xuân. "Tôi 'chắc kèo' đến mức không thèm kiểm tra thông tin vận chuyển đơn hàng. Đợi đến 30 Tết, tôi vẫn không nhận được cuộc gọi nào của shipper thì mới hoảng hốt đi mua áo sơ mi dáng dài (giả áo dài) để 'chữa cháy' cho mùng 1", Quỳnh bày tỏ.
Vì đặt hàng từ sớm, Quỳnh đinh ninh mình sẽ có áo dài mặc trong Tết. Do đó, cô sắm sửa thêm bông tai, suy nghĩ ý tưởng phối đồ sao cho hợp với cảnh sắc phố đi bộ.
Dù không diện áo dài như mong muốn ban đầu, Quỳnh nhận nhiều lời khen dành cho chiếc sơ mi "chữa cháy" dễ thương, mới lạ, lại có khả năng mặc tiếp sau Tết nên cô không quá hụt hẫng vì lần giao hàng chậm trễ kia.
Biết được nhiều người gặp phải "kiếp nạn" giao hàng chậm từ Tết Giáp Thìn, Nguyễn Vũ Phương Anh (sinh sống ở Thái Nguyên) nhớ lại tình huống tương tự của bản thân vào Tết năm ngoái.
Khi ấy, cứ vài phút mỗi ngày, Phương Anh truy cập ứng dụng của một sàn thương mại điện tử và thấp thỏm kiểm tra thông tin đơn hàng mới đặt.
Cô ví cảm giác đợi chờ hàng giống như... chờ mẹ đi chợ về, sốt ruột nên phải kiếm tra liên tục nhưng càng kiểm tra lại càng hụt hẫng vì không thấy đơn có dấu hiệu "nhúc nhích".
Nổi hứng đặt mua túi xách vào khoảng 25, 26 Tết (tức 4, 5/2), cô gái trẻ hy vọng sản phẩm sẽ được giao kịp lúc để kết hợp với trang phục trong những ngày Tết. "Đến tận đêm 30 mà tôi vẫn cố chấp nghĩ hàng sẽ về kịp, không biết rằng shipper đã nghỉ Tết cả rồi", Phương Anh chia sẻ.
Kết quả là Phương Anh phải dùng "ké" túi của em gái, đến mùng 9 Âm lịch mới nhận được túi mình đặt mua.
Chưa dừng lại ở đó, Phương Anh thấy hình trên mạng khác xa so với sản phẩm thật. "Chiếc túi bé hơn bàn tay tôi, đựng một thỏi son còn không vừa. Tôi thầm nghĩ âu cũng là cái may, bởi nếu túi được giao trước Tết thì tôi chưa chắc dám đeo nó lên người", cô cười, nói với Znews.
Nhiều người thấp thỏm kiểm tra thông tin vận chuyển đơn hàng. Ảnh minh họa: Thúy Hạnh. |
Rút kinh nghiệm từ câu chuyện năm ngoái, Phương Anh năm nay trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng thời trang. Thành quả là cô mua được 2 bộ quần áo và 1 đôi giày ưng ý để diện trong 3 mùng Tết.
"Khi có thời gian, tôi ưu tiên mua sắm trực tiếp hơn trực tuyến để tránh tình trạng giao hàng chậm trễ, khó đổi trả hoặc hình mạng khác xa so với sản phẩm thật. Nhất là trong dịp Tết, mua sắm trực tiếp giúp tôi hòa mình vào không khí rộn ràng xung quanh", Phương Anh bày tỏ.
Trước Tết Giáp Thìn, shipper vận chuyển hàng hóa tất bật với lượng đơn tăng đột biến mà theo cách gọi trong ngành là tình trạng “bể kho”.
Lịch nghỉ Tết năm nay của các shipper có thể chia thành 2 nhóm: nhóm nghỉ từ 7/2 (28 tháng Chạp) cho đến hết 12/2 (mùng 3 Tết) và nhóm nghỉ từ 8/2 (29 tháng Chạp) cho đến hết 13/02 (mùng 4 Tết). Sau Tết, các shipper tiếp tục tất bật với lượng đơn tồn kho và đơn đặt hàng mới để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.