Theo TVBS, vừa qua một cô bé 12 tuổi ngụ tại một huyện miền núi tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có dấu hiệu sốt cao liên miên kèm theo ho dữ dội. Tại bệnh viện huyện, các bác sĩ nghi ngờ cô bé bị mắc lao phổi nên đề nghị chuyển lên Bệnh viện Nhi Thành phố Tây An, Thiểm Tây, để có chẩn đoán chính xác và phương hướng điều trị hiệu quả hơn.
Hiện tượng tràn dịch màng phổi ở cô bé 12 tuổi. Ảnh: TVBS. |
Người trực tiếp điều trị - bác sĩ Cẩu Siêu Luân, khoa Tim mạch - Lồng ngực - cho hay ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc lao phổi. Hình ảnh X-quang thấy thùy dưới phổi trái có nhiều lỗ thủng và tình trạng tràn dịch màng phổi khá nghiêm trọng. Các triệu chứng cận lâm sàng này khớp với bệnh lao phổi nhưng bác sĩ Cẩu vẫn băn khoăn khi cô bé còn nhỏ, cơ hội mắc lao phổi không cao. Xung quanh khu vực cô bé sống cũng không có trường hợp nào mắc bệnh.
Ông tiếp tục cho chụp cộng hưởng từ và xét nghiệm máu. Các lỗ thủng trên thùy phổi của bé gái do ký sinh trùng có tên “sán lá phổi”, Xét nghiệm máu cũng cho thấy kết quả lượng bạch cầu ái toan (bạch cầu ái toan thường xuất hiện trong các bệnh lý về ký sinh trùng hoặc dị ứng) tăng cao bất thường.
Sau khi tìm hiểu, cô bé này cho biết vì nhà ở trên vùng núi nên em hay uống nước khe suối khi thấy khát. Nước này dù trong mát nhưng lại chứa rất nhiều ký sinh trùng mà mắt thường không thể thấy được như sán ếch nhái, sán lá phổi. Nước còn chứa một lượng cực lớn trứng giun sán nhỏ li ti. Những trứng sán vào được cơ thể, sẽ bám vào thành ruột, theo các mạch máu nhỏ xâm nhập hệ tuần hoàn và di chuyển đến các cơ quan thích hợp. Sán lá phổi đặc biệt thích sống ở phổi và gây ra những triệu chứng tương tự như lao phổi bao gồm sốt cao, tức ngực, khó thở, tràn dịch màng phổi, ho ra máu...