Những năm gần đây, giải pháp vực dậy nghệ thuật sân khấu miền Bắc được nhiều người quan tâm. Có thể nói, chưa bao giờ sân khấu miền Bắc lại chịu cảnh đìu hiu, 'sống dở chết dở' như hiện nay khi ngay cả nhà hát nổi tiếng mỗi năm chỉ cho ra mắt vài ba tác phẩm. Trong đó, nhiều vở diễn là đơn đặt hàng của nhà nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các nhà hát không thể “tự sống” bằng nguồn thu từ bán vé dù đã rất cố gắng.
"Ai là thủ phạm?" - một tác phẩm của Lưu Quang Vũ được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Ảnh: Lê Quang Đức |
Vở diễn gây được tiếng vang chủ yếu bước ra từ những cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp nên dù được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật thì vẫn bị cho là xa lạ với công chúng. Từ nhiều năm nay, sân khấu miền Bắc đã không còn tình trạng xếp hàng mua vé xem kịch, điều mà thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, kịch của Lưu Quang Vũ đã làm được.
Ngoài kịch bản yếu kém, dàn dựng thiếu sáng tạo thì một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khán giả quay lưng với sân khấu là sự phát triển bùng nổ của các loại gameshow, truyền hình thực tế. Công chúng hoàn toàn có thể ngồi ở nhà để thưởng thức đủ mọi chương trình nghệ thuật thay vì phải chen chân đến các nhà hát. Ngoài ra, khán giả trẻ Việt Nam bắt đầu hình thành thói quen đi xem phim điện ảnh vào dịp cuối tuần và không còn mặn mà với việc xem kịch.
Trước sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí, nhiều người đặt câu hỏi về sự tồn tại mông lung của nghệ thuật sân khấu trong đời sống đương đại. Sân khấu kịch dựa vào đâu để chinh phục và kéo khán giả về phía mình là câu hỏi của rất nhiều người, đặc biệt là những người yêu sân khấu.
NSND Lê Hùng khẳng định sự phát triển của điện ảnh, truyền hình không thể làm sân khấu mất chỗ đứng. Ảnh: Lê Quang Đức |
Trả lời thắc mắc đó, đạo diễn, NSND Lê Hùng cho rằng: “Sân khấu không bao giờ chết, kể cả điện ảnh - truyền hình là những 'đứa em' của nghệ thuật sân khấu, phục vụ khán giả ngay tại nhà, đến tận đầu giường của khán giả. Trong bối cảnh như vậy, nghệ thuật sân khấu những tưởng sẽ biến mất. Nhưng không! Sân khấu có sức hấp dẫn riêng của mình mà không phải loại hình giải trí nào cũng có”.
“Khán giả quay lưng với sân khấu không phải vì sân khấu lạc hậu hay không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Sân khấu đánh mất khán giả vì thiếu những tác phẩm hay. Bây giờ, chỉ cần chúng ta có những tác phẩm hay thì chắc chắn sẽ vực dậy được loại hình nghệ thuật này” – NSND Lê Hùng nói.
NSND Anh Tú – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng khẳng định đặc trưng của sân khấu không thể trộn lẫn với bất cứ loại hình giải trí nào giữa bối cảnh phải cạnh tranh để tồn tại. Nam nghệ sĩ cho biết “Sân khấu là loại hình nghệ thuật tương tác trực tiếp với khán giả. Khán giả ngồi ngay phía dưới sân khấu để thưởng thức tác phẩm mà không cần qua màn hình lớn, nhỏ như điện ảnh, truyền hình. Người xem có thể sống cùng tác phẩm, cảm nhận trực tiếp diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ nhân vật. Do đó, sân khấu có vị trí riêng trong đời sống nghệ thuật, không dễ gì có thể thay thế".
"Người xem có thể cảm nhận trực tiếp tác phẩm, đó là ưu điểm của kịch" - NSND Anh Tú chia sẻ. Ảnh: Lê Quang Đức |
Đồng quan điểm với NSND Anh Tú, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, một nhà phê bình sân khấu "chắc tay nghề" khẳng định: “Sân khấu khác biệt với các loại hình nghệ thuật khác ở chính đặc trưng của sân khấu. Một vở diễn với kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên xuất sắc thì không bao giờ khán giả quay lưng, chối bỏ sân khấu được".
“Việc làm quan trọng nhất đối với sân khấu trong giai đoạn hiện nay là lấy lại khán giả, cách đây vài chục năm khán giả từng xếp hàng, chen nhau đi xem sân khấu. Muốn điều này lặp lại thì không còn cách nào khác là khắc phục những yếu kém, hạn chế đang tồn tại trong sân khấu hiện nay” - tác giả của Sân khấu và tôi nói.
NSƯT Trung Anh - gương mặt gạo cội của sân khấu kịch miền Bắc cho rằng, một trong những lý do quan trọng để sân khấu kịch không bao giờ chết trong đời sống nghệ thuật đó là tình yêu của những người làm sân khấu.
Nhiều nghệ sĩ miệt mài và tâm huyết với sân khấu dù nhận được nhiều lời mời đóng phim điện ảnh, truyền hình. Ảnh: Lê Quang Đức |
“Tôi yêu và đam mê sân khấu thực sự, dù điện ảnh và phim truyền hình mang lại thu nhập cao hơn. Sân khấu là lựa chọn đầu tiên của tôi và đó cũng là nơi tôi đi về, gắn bó và sống chết. Sâu khấu kịch sẽ tiếp tục tồn tại vì những tình yêu như thế” - Trung Anh khẳng định.