Tối 16/2, GS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cấp cứu, lấy thai thành công cho sản phụ V.T.U. (25 tuổi, Hà Nội). Chị U. bị tiền sản giật nặng, béo phì và tiểu đường thai kỳ.
Trước khi mang thai, chị U. nặng 132 kg, cân nặng hiện tại là 155 kg. Mang thai với thể trạng này cộng thêm chứng tiền sản giật khiến thai phụ rơi vào tình trạng nặng, tiên lượng xấu.
Khoảnh khắc bé gái nặng 2,6 kg chào đời khỏe mạnh. Ảnh: BVCC. |
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé. Ca mổ diễn ra khó khăn do thai phụ có lớp mỡ dày, gây khó khăn trong quá trình gây tê và phẫu thuật.
Bên cạnh đó, thai phụ có nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê nên được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. May mắn, bé gái nặng 2,6 kg chào đời khỏe mạnh, hồng hào trong niềm vui của gia đình và ê-kíp phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau mổ, sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật. Ngoài ra, do bị tiểu đường thai kỳ, béo phì và có lớp mỡ thành bụng dày, chị U. cũng dễ gặp tình trạng nhiễm trùng sau mổ. Hiện tại, cả mẹ và em bé được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại khoa Dịch vụ D4.
Tiểu đường thai kỳ xuất hiện ở khoảng 5% phụ nữ mang thai. Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ xuất hiện trong suốt thời kỳ mang thai và thường chấm dứt sau khi em bé chào đời. Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường có nguy cơ gặp tai biến sản khoa nguy hiểm.
Tuần thai thứ 22-24 là thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm thử glucose đầu tiên để sàng lọc các nguy cơ.
“Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất?”, “Làm thế nào để tôi ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh?”, “Làm thế nào để tôi vẫn giữ được minh mẫn khi già đi?”… Đó là mối quan tâm của nhiều người trong quá trình tìm phương thức để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.
Cuốn sách Ăn lành, tập đủ, nghĩ thông minh có thể giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.