Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai, chị N.T.M.L., 34 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP Biên Hòa, đã vượt cạn thành công, sinh một bé trai nặng 3,1 kg.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên khoa Phụ sản - Hiếm muộn, cho hay chị L. mang thai lần đầu ở độ tuổi khá lớn trên cơ địa béo phì, khả năng sảy thai cao. Vì vậy, các bác sĩ đã dùng thuốc dự phòng sinh non liên tục tới 35 tuần. Ngoài ra, các thầy thuốc cũng hướng dẫn thai phụ kiểm soát cân nặng trong suốt thai kỳ.
Khi có dấu hiệu sinh, chị L. được đưa vào bệnh viện ngay để theo dõi và sinh thường. Tuy nhiên, khối nhân xơ tử cung to làm quá trình chuyển dạ chậm hơn và theo dõi cơn gò tử cung khó khăn. Do đó, ê-kíp trực phải theo dõi liên tục để điều chỉnh cơn gò hiệu quả.
Mẹ con sản phụ N.T.M.L. sau ca vượt cạn thành công. Ảnh: CDC Đồng Nai. |
"Chúng tôi cũng tiên lượng trước nguy cơ sản phụ có thể bị băng huyết. Vì vậy, ngay sau khi em bé được sinh ra, bác sĩ đã lập tức xử trí lấy nhau sớm và sử dụng tất cả thuốc giúp co hồi tử cung và cầm máu cho bệnh nhân", BS Hà nói.
Kết quả, sau gần 20 giờ, chị L. đã sinh được bé trai khỏe mạnh. Trẻ cũng được da kề da với mẹ ngay sau đó.
Béo phì ở phụ nữ là một trong những tác nhân chính, tiềm ẩn các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, rối loạn cơ xương, một số loại ung thư. Khoa học cũng đã chỉ ra rằng trẻ có mẹ bị béo phì trong thai kỳ có nhiều khả năng bị béo phì hơn trong thời thơ ấu và niên thiếu.
Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên có chế độ ăn uống đủ loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa (dầu thực vật)…hạn chế các loại thức ăn nhiều chất béo xấu, thức ăn chiên, xào, chế biến sẵn... Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng cần tuân thủ, kiểm tra sức khỏe tổng quát, tăng cường vận động và kiểm soát cân nặng.