Vượt cạn là hành trình khó nhọc nhưng kỳ diệu của người mẹ. Để mẹ và con đều an toàn, khỏe mạnh, các bác sĩ cần thực hiện quy trình nghiêm ngặt khi tiếp nhận sản phụ.
Nhập viện
Đến những tuần cuối thai kỳ, nếu cơ thể xuất hiện những cơn gò cứng tử cung, đây là dấu hiệu báo trước người mẹ sắp tới ngày chuyển dạ sinh con. Chuyển dạ là quá trình đầu tiên của cơn đau đẻ và có thể kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.
ThS.BS Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM, cho biết ở giai đoạn sớm, mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm nhận những cơn co thắt giống như đau bụng kinh nguyệt, không muốn ăn uống, khó chịu.
Khi có dấu chuyển dạ như co bóp tử cung, đau bụng từng cơn, ra nhớt hồng âm đạo hay bất kỳ dấu hiệu có nguy cơ cho sản phụ như ra huyết, ối đều phải nhập viện để được theo dõi.
Chuyển dạ là quá trình đầu tiên của cơn đau đẻ và có thể kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Ảnh: Atrium Health. |
Cung cấp thông tin, làm xét nghiệm
Mẹ bầu khi nhập viện được khai thác tiền sử sản phụ khoa, diễn biến thai nghén, kết quả các lần khám thai. Đồng thời, bác sĩ sẽ làm rõ các dấu hiệu chuyển dạ của sản phụ để xác định chuyển dạ thật hay giả.
Sản phụ được đo thân nhiệt, nghe tim, phổi, đo huyết áp, chiều cao, cân nặng. Đặc biệt, người mẹ cần cung cấp thông tin quan trọng như mang bầu lần thứ mấy và tình trạng những lần sinh đẻ trước đó như thế nào.
Theo dõi chỉ số sinh tồn
Việc theo dõi nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở trong pha tiềm tàng và pha tích cực phải được theo dõi 4 giờ/lần.
Tim thai, cơn co tử cung và độ lọt của ngôi thai trong pha tiềm tàng phải theo dõi 1 giờ/lần, pha tích cực phải theo dõi 30 phút/lần. Tình trạng ối và độ mở của cổ tử cung trong pha tiềm tàng phải theo dõi 4 giờ/lần, pha tích cực phải theo dõi 2 giờ/lần.
Theo các bác sĩ, đẻ thường là giải pháp sinh lý không can thiệp tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi. Ảnh: Rockthecradle. |
Chuyển dạ
Khi chuyển dạ, sản phụ thường có triệu chứng đau bụng từng cơn do sự co bóp của tử cung tăng dần, tần số co bóp tử cung thường đạt 3 cơn trong thời gian 10 phút, mỗi cơn kéo dài trên 20 giây.
Khi kiểm tra cho sản phụ, bác sĩ nhận thấy ra dịch nhầy màu hồng và có huyết ở âm đạo, cổ tử cung xóa hết hoặc gần hết, hình thành được đầu ối. Khi cổ tử cung của người mẹ đã mở rộng từ 8-10 cm, cơ thể sản phụ lúc này sẽ bị run rẩy, buồn nôn, mệt mỏi với hiện tượng nóng rát hoặc ngứa ở vùng âm đạo. Các cơn co thắt tử cung sẽ đẩy em bé xuống gần hơn với cổ tử cung để sẵn sàng chào đời.
Chỉ định sinh thường
Khi các dấu hiệu chuyển dạ và chỉ số sinh tồn ổn định, người mẹ đảm bảo đủ sức khỏe sẽ được chỉ định sinh thường. Bác sĩ Xuyến cho biết lúc này, cổ tử cung của người mẹ giãn nở hoàn toàn khoảng 10 cm.
Qua từng cơn co thắt, lực ép lên tử cung kết hợp lực ép trên cơ bụng, quá trình rặn đẻ của người mẹ sẽ làm thai nhi di chuyển xuống dưới qua đường sinh dục. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở tầng sinh môn để bé chào đời dễ dàng hơn.
Khi đầu bé lọt ra ngoài, bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ ngừng rặn, thay vào đó là thở nhanh và đều đặn, lấy sức để “đẩy” nốt phần vai, cơ thể của bé ra ngoài.
Theo TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, xổ đầu thai nhi là quan trọng nhất, “đầu xuôi đuôi lọt”. Bác sĩ sẽ tiếp tục chủ động kéo thân, mông và chân tay em bé ra khỏi cửa mình của mẹ. Cuộc rặn sinh xem như kết thúc.
Chỉ định mổ lấy thai
ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) cho biết trong trường hợp không thể sinh thường, nguy cơ nguy hiểm cho mẹ và bé như thai to, đầu không lọt, ngôi bất thường, nhau tiền đạo, sa dây rốn, đa thai, vô ối, vết mổ cũ trên cơ tử cung, bất xứng đầu chậu,… sản phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai.
Biểu cảm đáng yêu của bé sơ sinh vừa chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Ảnh: BSCC. |
Khi có chỉ định mổ, bác sĩ sẽ gặp người nhà giải thích tình trạng và lý do phải mổ. Sau đó, bác sĩ phải hoàn thiện các xét nghiệm bắt buộc để đảm bảo an toàn trong ca mổ như nhóm máu, chức năng đông, cầm máu.
Nếu bệnh nhân có bệnh lý, phải mời thêm các bác sĩ khoa khác cùng hội chẩn. Điều quan trọng là bác sĩ phải giải thích nguy cơ trong và sau mổ cho gia đình sản phụ. Người nhà đồng ý ký giấy cam kết, bác sĩ mới chuyển sản phụ vào phòng mổ.
“Phẫu thuật là vấn đề khó khăn và nhiều rủi ro, nguy hiểm. Do đó, chỉ nên tiến hành mổ trong trường hợp sinh thường thất bại hay có nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sản phụ và bé. Đẻ thường là giải pháp sinh lý không can thiệp tốt nhất đối với sản phụ”, bác sĩ Toản nói.