1. Sản vật đặc trưng nào được ví như "mai vàng mùa nước nổi" ở miền Tây?
Mùa nước nổi ở miền Tây (khoảng tháng 7-11 âm lịch hàng năm) không thể thiếu sắc vàng rực rỡ của bông điên điển trổ khắp đồng, vì thế người ta ví hoa như "mai vàng mùa nước nổi" của vùng đất phương Nam. Là sản vật đặc trưng trong mùa lũ về, có vị hơi nhẫn nhẹ, ngọt, bùi, bông điên điển trở thành nguồn thức ăn quen thuộc, giàu dinh dưỡng của người miền Tây. Ảnh: @midu_le2111. |
2. Người dân miền Tây thường sử dụng "mai vàng mùa nước nổi" để chế biến món ăn nào?
Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người miền Tây, bông điên điển được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như bánh xèo bông điên điển, bông điên điển xào tép, gỏi bông điên điển, bông điên điển muối chua... Tùy từng món ăn, bông điên điển có thể là nguyên liệu chính hoặc nguyên liệu phụ, song vẫn giữ một hương vị đặc biệt, góp phần tạo nên sự hấp dẫn của món ăn. Ảnh: @gisellehoang. |
3. Cùng với "mai vàng mùa nước nổi", loại cá nào là đặc sản nổi tiếng được nhiều người yêu thích vào thời điểm lũ về trong năm?
Bông điên điển và cá linh là 2 sản vật tiêu biểu của mùa nước nổi miền Tây, vừa có thể là nguyên liệu chính trong những món ăn riêng biệt, vừa có thể kết hợp cùng nhau tạo nên một số món ăn đặc sắc. Du lịch miền sông nước mùa lũ về, bạn không thể bỏ qua món lẩu cá linh bông điên điển hay canh chua cá linh bông điên điển thơm ngon nức tiếng. Cá linh tươi rói, béo tròn hòa quyện cùng hương vị thanh mát của bông điên điển khiến du khách nhớ mãi. Ảnh: @gauchuotforever. |
4. Cá linh non đầu mùa có đặc điểm gì khiến nhiều người ưa chuộng?
Theo dòng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, cá linh đầu mùa thường nhỏ như đầu đũa, được gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Nhiều người ưa chuộng cá linh non vì vào thời điểm này xương cá mềm, thịt ngọt, bụng có mỡ béo ngậy. Ngoài nấu chung với bông điên điển, cá linh còn được kho tiêu, kho mía, nướng, tẩm bột chiên giòn, làm mắm... rất hấp dẫn. Ảnh: @lynguyen.91.
|
5. Đặc sản nào của mùa nước nổi miền Tây thường được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng lu, khìa nước dừa, xào củ kiệu, chiên nước mắm...?
Khi những cánh đồng lúa chín được thu hoạch xong, mùa nước nổi đến cũng là thời điểm săn chuột đồng, một đặc sản nổi tiếng của miền Tây. Chuột đồng lúc này sạch, mập thịt, ngọt dai, giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến nhiều món ăn thơm ngon với phương pháp đa dạng như nướng lu, nướng mọi, khìa nước dừa, xào củ kiệu, chiên nước mắm... Ảnh: @trangnguyen2191. |
6. Địa danh nào được nhắc đến trong câu ca sau: "Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về ... ăn cho đã thèm"?
Lưu truyền từ bao đời, câu ca "Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm" như lời ca ngợi một đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Bông súng là một trong những món ngon mùa nước nổi du khách không thể bỏ qua. Vào thời điểm này ở miền Tây, nhất là khu vực Đồng Tháp, hoa súng trắng lên nhanh, thi nhau đua nở khắp những cánh đồng. Ngoài ăn chung với mắm kho, cọng bông súng có thể dùng để nấu canh chua, trộn gỏi... Ảnh: @sarahwlederman. |
7. Loại trái dân dã nào sau đây là một trong những món ăn ''gây thương nhớ" ở miền Tây mùa nước nổi?
Cà na là loại trái dân dã quen thuộc với nhiều người dân miền Tây, có thể ăn tươi chấm muối ớt hoặc chế biến thành các món ngon như cà na dầm, cà na ngào đường, mứt cà na, rượu cà na... Mỗi khi mùa nước lớn về là thời điểm cà na sai trái. Trái cà na hình bầu dục, lúc còn non có màu xanh đậm, khi chín ngả màu vàng nhạt. Vị chua chua, chát chát của cà na có thể ''gây thương nhớ" với những ai đã từng thưởng thức qua. Ảnh: @leogen168. |