1. Tên món nào còn thiếu trong câu "Muốn ăn... / Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm"?
Bông súng mắm kho là đặc sản của miền sông nước và cũng mang hương vị ẩm thực đặc trưng ở vùng Đồng Tháp Mười. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, beo béo của thịt ba rọi, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the của sả, cay của ớt làm nên món ăn dân dã khó quên. Ảnh: Maika's House. |
2. Bông điên điển được ví như gì?
Vào mùa nước nổi, các bờ kênh, bờ ao, ngoài ruộng… đâu đâu cũng được phủ một màu vàng rực rỡ của những chùm bông điên điển. Vì vậy, người ta ví bông điên điển như "mai vàng mùa nước nổi" của vùng đất phương Nam. Điên điển thơm, giòn, vị bùi béo, khi hái về, ngắt phần cuống và rửa sạch là có thể ăn được. Nguyên liệu này có thể được kết hợp trong món bánh xèo, muối dưa, làm gỏi, bún cá, xào tép hay thịt bò, nhúng lẩu mắm hoặc lẩu cá linh... Ảnh: Hoang Em Nguyen. |
3. Cây bồn bồn còn được gọi là gì?
Là loài thực vật sống ở vùng đất ngập nước, bồn bồn (hay cỏ nến) phát triển trong ao hồ hoặc mé sông, nơi có dòng chảy chậm. Được xem là cây dại mọc hoang nhưng những năm gần đây người dân Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu đã trồng bồn bồn trong ao nuôi tôm, cá nước ngọt. Cây phát triển quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa mưa. Nông dân miền Tây chăm bón cho ruộng bồn bồn để thường xuyên thu hoạch cọng non. Bồn bồn nhổ từ ao đầm mang về chặt bỏ phần lá dài, giữ lại từ gốc lên khoảng 30-35 cm rồi sau đó tách ra lấy lõi non bên trong. Lõi bồn bồn tươi được chế biến các món xào thịt, tép hoặc nấu canh chua ăn rất giòn, ngọt. Ảnh: Việt Tường. |
4. Sản vật nào xuất hiện trong hình?
Năn (năn bộp) vốn chỉ là loại cỏ mọc hoang, không có giá trị kinh tế, song ngày nay lại được trồng phổ biến tại Tây Nam Bộ, đặc biệt ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và trở thành loại rau “hái ra tiền” của nhiều hộ gia đình. Năn sau khi nhổ được rửa sạch và cắt ngắn chỉ còn khoảng 30 cm. Khi ăn năn, người ta bóc vỏ bên ngoài, giữ lại phần thân trắng nõn bên trong. Cây dùng để ăn sống chấm với mắm kho, mắm chưng, muối dưa chua hoặc thưởng thức kèm lẩu mắm, nấu canh cá, canh cua đồng. Ảnh: Nanbopsoctrang. |
5. Loại thực vật nào được gọi là "lộc trời cho" mùa nước nổi?
Hẹ nước là loại rau mọc hoang ở ruộng, các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn, có nhiều vào mùa nước nổi và tha hồ thu hoạch nên người ta gọi là "lộc trời cho". Hẹ nước nhổ về, cắt bỏ phần gốc rễ đem rửa sạch, luộc qua rồi xào hoặc nấu canh. Ngoài ra, đây cũng là loại rau sạch, cho vị mát và giòn, phù hợp dùng ăn sống, chấm mắm kho, thịt kho hoặc chấm nước cá rô kho hấp dẫn. Ảnh: Ngoại Tý. |
6. Sầu đâu nổi bật đặc điểm gì?
Hàng năm, khoảng tháng 10 đến tháng 3 Âm lịch, cây sầu đâu đến mùa thay lá, ra bông. Tuy nhiên, người địa phương thường nhặt đọt non quanh năm để làm một số món ngon. Mùa nước nổi, lá sầu đâu non và mơn mởn, chấm mắm kho, cá kho, ăn với cá linh non kho hoặc mắm thái, mắm chưng… đều là sự kết hợp hấp dẫn. Sầu đâu vốn có vị đăng đắng, chan chát, song khi nhai kỹ, bạn sẽ cảm thấy hậu vị ngọt thanh. Người dân cũng thường trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc hoặc khô cá sặc nướng xé nhỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng, dưa leo, cà chua... Tất cả nguyên liệu quyện vị nước mắm pha đậm đà. Món này đặc biệt phổ biến ở An Giang. Ảnh: Kim_tracy9x. |
7. Đọt choại còn có tên gọi nào khác?
Đọt choại (còn gọi là rau chạy) vốn là loài dây leo mọc hoang ở miền Tây, có nhiều ở vùng đất bưng trũng, thích hợp với cả đất nhiễm phèn nhẹ. Phần đọt non mọc từ gốc có dạng uốn cong, cuộn chặt nhiều vòng, thường được sử dụng để làm thức ăn. Ngoài cách luộc chấm mấm nêm, nước tương, nước mắm chua ngọt, loại rau này còn rất ngon khi xào tỏi hoặc thịt bò, nhúng lẩu, nấu canh chua… Ảnh: Chapikitchen. |