Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post và CNN đề cập đến vấn đề ngày càng nhiều phụ nữ châu Á kêu gọi nâng cao nhận thức về bình thường hóa việc phụ nữ cho con bú nơi công cộng hoặc hút sữa cho con nơi làm việc.
Liz Thomas, nhà báo làm việc cho một tổ chức tin tức toàn cầu tại Hong Kong, cho biết các đồng nghiệp của cô không mất nhiều thời gian để làm quen với hình ảnh cô hút sữa ở nơi làm việc.
"Tôi làm việc ở một văn phòng mở, không có khu chuyên biệt, vậy nên bàn làm việc của tôi là nơi phù hợp nhất để hút sữa. Tôi sống ở Lantau và làm việc ở Wan Chai nên tôi không thể chạy về nhà chỉ để hút sữa", cô nói.
"May mắn là nhiều đồng nghiệp của tôi còn trẻ, khá thoáng. Một số người hơi sốc, một số khó chịu nhưng đều hiểu rằng đây là một phần của công việc làm cha mẹ. Họ thấy tôi vẫn làm tốt công việc, không 'nghỉ thêm' và tôi tin là khi họ tự điều hành các văn phòng của mình, họ sẽ biết cách làm quen với các bà mẹ mới quay trở lại làm việc".
1/8 là ngày bắt đầu Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng Sữa mẹ, nhưng đối với bà mẹ hai con Liz, việc nâng cao nhận thức về lợi ích của việc cho con bú vẫn đang tiếp tục.
Liz Thomas thường phải hút sữa cho con ở nơi làm việc. |
Phụ nữ cho con bú nơi công cộng bị kỳ thị
Năm 2019, Liz đã phát động #Ittasteslikelove, một chiến dịch nhằm bình thường hóa việc cho con bú ở Hong Kong, nơi 40% phụ nữ cho con bú ở nơi công cộng đã khiếu nại hoặc có trải nghiệm khó chịu, theo cuộc thăm dò năm 2016 của UNICEF.
Liz có thể hiểu cảm giác của họ. "Tôi đang cho con bú trên một chiếc xe buýt ở Hong Kong thì người phụ nữ bên cạnh tôi nhảy khỏi chỗ ngồi và hét lên 'che người cô lại đi'", cô nói. Liz từ chối và tiếp tục việc đang dở.
Liz không cô đơn. Năm 2018, Cathy Ho đang cho con bú trên ghế công cộng tại Stanley Plaza thì bị một nhân viên an ninh mặc đồng phục tiếp cận và yêu cầu cô chuyển đến nhà vệ sinh gần đó để cho con bú. Cô từ chối di chuyển, cho biết mình có quyền hợp pháp để cho con bú ở nơi công cộng trong thành phố.
Nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức về việc phụ nữ cho con bú nơi công cộng được tổ chức. |
Năm 2016, một flash mob cho con bú tập trung tại trạm MTR Tai Wai ở New Territories diễn ra nhằm nâng cao nhận thức về sự phân biệt đối xử với các bà mẹ.
Vào năm 2015, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát động chiến dịch "Nói CÓ với nuôi con bằng sữa mẹ" để "nâng cao thái độ tích cực của công chúng đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và nơi công cộng".
Hong Kong có tỷ lệ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ thấp, chỉ 27,9% phụ nữ đạt được mức nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.
"Tại sao một trong những hành động sinh học tự nhiên nhất lại bị kỳ thị? Những thành kiến về phụ nữ và tiêu chuẩn kép là các nguyên nhân chính", Liz nói.
"Thật không công bằng khi chấp nhận hình ảnh bộ ngực phụ nữ trên khắp các bảng quảng cáo, phương tiện truyền thông xã hội, video âm nhạc và quảng cáo nhưng lại cho rằng việc một người mẹ cho con bú lại là sự khiêu khích hay tìm kiếm sự chú ý. Sao ảnh hở ngực được công khai, còn việc phụ nữ cho con bú thì không?".
Flash mob cho con bú tập trung tại trạm MTR Tai Wai ở New Territories diễn ra nhằm nâng cao nhận thức về sự phân biệt đối xử với các bà mẹ cho con bú. |
Theo Liz, bình thường hóa việc cho con bú cũng có nghĩa là phải làm việc với chủ lao động, cơ quan y tế và chính phủ để đảm bảo phụ nữ không bị thiệt thòi sau khi nghỉ thai sản và giữa môi trường làm việc không thân thiện.
"Cho đến khi chúng tôi có chế độ nghỉ thai sản tốt hơn, được luật pháp bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ, hút sữa ở nơi làm việc, chúng tôi vẫn sẽ thấy phụ nữ tiếp tục phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, giữa phòng họp và phòng chơi cho trẻ", Liz nói thêm.
WHO và UNICEF ủng hộ việc nghỉ thai sản tối thiểu 18 tuần. Vào tháng 7, Hong Kong tăng thời gian nghỉ thai sản theo luật định từ 10 lên 14 tuần.
Tương tự, ở Hàn Quốc, phụ nữ thường không cho con bú ở nơi công cộng. Họ sẽ bơm, vắt sữa ở nhà bỏ vào bình sữa và cho con bú bằng bình. Họ nói rằng "sợ bị đánh giá không chuyên nghiệp" nếu để lộ hình ảnh cho con bú trực tiếp.
Phụ nữ Nhật Bản thường ở nhà suốt thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu ra ngoài, họ cũng cho con uống bình.
Ở Đài Loan, từng có tranh cãi về việc có nên ra luật bảo vệ các bà mẹ cho con bú khỏi bị kỳ thị tại nơi làm việc hay không. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có nhiều ý kiến cho rằng nếu luật đó ra đời, phải thêm điều kiện phụ nữ cần phải che đậy ngực lại.
Lợi ích vô vàn của sữa mẹ
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, sữa mẹ không chỉ là một nguồn kháng thể phong phú mà còn giúp trẻ giảm tỷ lệ hen suyễn, béo phì và tiểu đường.
Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên The Lancet cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp ngăn chặn 800.000 trẻ em tử vong mỗi năm trên toàn cầu và tiết kiệm 300 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe. Trong hai năm đầu, một người mẹ cho con bú giảm được 6% nguy cơ mắc ung thư vú và giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Liz nói nếu ngày càng nhiều phụ nữ cho con bú sẽ làm giảm tác động lên môi trường của ngành công nghiệp sản xuất sữa công thức, thường được làm từ sữa bò. Ngành công nghiệp này tạo ra lượng lớn khí nhà kính, tốn nhiều nước và năng lượng, trong khi sữa mẹ là siêu thực phẩm tự nhiên.
Việc cho con bú đem lại nhiều lợi ích cho cả con, bản thân người mẹ và môi trường. |
Cô cũng cho biết khi nhận thức được nâng cao, các bà mẹ không còn phải cho con bú ở những nơi không vệ sinh, giảm nguy cơ viêm vú, viêm mô vú gây đau, sưng đỏ, xảy ra do sự tích tụ sữa trong vú.
"Điều này xảy ra rất thường xuyên vì phụ nữ thường hạn chế hoặc trì hoãn việc hút sữa ở nơi làm việc do sợ mất việc nếu họ nghỉ trưa quá nhiều", Liz nói.
Theo bà mẹ 2 con, các chiến dịch nâng cao nhận thức ngày càng được nhiều thương hiệu lớn hưởng ứng khi đưa hình ảnh phụ nữ cho con bú vào tạp chí, phần quảng cáo sản phẩm.
Tại Hong Kong, nhiều nhà hàng và nhà bán lẻ cũng ủng hộ chiến dịch #Ittasteslikelove, cho biết sẽ hỗ trợ các bà mẹ cho con bú và hứa rằng không gian của họ là an toàn.
Về phía những người chỉ trích, Liz nói: "Bình thường hóa việc cho con bú giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống trên toàn cầu. Bất cứ ai nghĩ rằng điều này chỉ quá đề cao chủ nghĩa nữ quyền thì về cơ bản, họ không hiểu được vấn đề".