\Người mẹ cứ mắng xối xả: “Sao ngu thế hả con, thi điểm như vậy thì làm sao mà đậu được, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã không đậu, Trường THPT Nguyễn Huệ cũng trượt luôn, giờ mày sẽ học ở nơi nào? Đi xa nhà không có điều kiện, chắc là ở nhà đi bán vé số thôi con ạ”.
Nghe mẹ mắng, cô bé vừa khóc vừa chống chế: “Con đã nói để con nộp đơn thi vào Trường THPT Nguyễn Huệ mẹ nhất quyết không cho. Mẹ cứ bắt phải thi vào Trường THPT Lý Thường Kiệt nên mới như vậy”.
Ảnh minh họa. |
Cô bé nói đúng bởi với 27 điểm, em dư sức đậu vào Trường Nguyễn Huệ còn Trường Lý Thường Kiện em thiếu đến gần 7 điểm.
Câu chuyện của cô bé Mai chỉ là một ví dụ, còn rất nhiều phụ huynh vì sĩ diện, vì kì vọng vào con quá lớn mà không chịu hiểu con mình lực học đến đâu nên cứ ép các em thi vào những ngôi trường mình thích để rồi phải trượt oan.
Cô con gái của tôi nói: “Lớp con có mấy bạn như thế mẹ ạ, bạn muốn thi vào Nguyễn Huệ nhưng ba mẹ nhất định không cho. Giờ thi được 26, 27 điểm mà không có trường để học, trong khi điểm chuẩn vào Trường Nguyễn Huệ chỉ lấy 25.5 điểm thôi.
Ở thị xã La Gi trước đây có Trường THPT Lý Thường Kiệt và Trường Bán công Nguyễn Huệ. Phần lớn học sinh khá giỏi chọn thi vào trường công.
Vài năm trở lại đây, Trường Nguyễn Huệ đã chuyển sang trường công nhưng trong suy nghĩ của nhiều người vẫn là ngôi trường “không ngon” mặc dù đội ngũ giáo viên nơi này giảng dạy rất nhiệt tình và uy tín. Hàng năm, số lượng học sinh khá giỏi đăng kí vào Trường Lý Thường Kiệt rất đông vì thế điểm chuẩn luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh.
Ngay trong mỗi học sinh cũng thường có sự phân biệt và kì thị rất nghiệt ngã: “Giỏi gì, học ở trường Nguyễn Huệ ấy mà”. Vì lẽ đó, nhiều em học sinh khi được hỏi: “Con học trường nào” các em thường e dè khi trả lời là Trường Nguyễn Huệ. Học trò đã thế, phụ huynh có con vào lớp 10 càng khát khao con mình đăng kí vào học ở đây mà bất chấp sự phản đối của các con.
Có người còn nói thẳng thừng: “Con mà không đậu được Lý Thường Kiệt, mẹ có nước độn thổ”. Dù nhiều em nhất quyết làm đơn thi vào Nguyễn Huệ nhưng trước sức ép của ba mẹ, các em đành phải nghe theo.
Không nắm được lực học của con, một số em cũng chưa đánh giá đúng sức học của mình nên đã để tuột mất cơ hội học tập. Không vào được các trường công lập, một số gia đình khá giả còn tìm kiếm cơ hội học cho con ở một số trường tư thục nơi khác nhưng không ít em đành ở nhà vì gia đình không có điều kiện.
Có ai đó tự hỏi: Vì sao ba mẹ và ngay chính một số học sinh lại ảo vọng về lực học của mình? Có một nguyên nhân xâu xa mà những người làm trong nghề mới thấu hiểu. Một số trường THCS cho điểm dễ dãi, một số thầy cô giáo dạy thêm thường ôn tập trúng dạng đề sẽ kiểm tra, tình trạng quay bài, mớm đáp án cũng còn xảy ra ở một số nơi bởi cách coi kiểm tra, coi thi còn lỏng lẻo.
Vì thế, học sinh đạt được những con điểm cao chót vót, xếp loại cuối năm phần lớn là học sinh giỏi và học sinh tiên tiến…Ba mẹ nhìn kết quả nên tin tưởng con học giỏi cũng là điều dễ hiểu. Vì thế mới xảy ra chuyện học giỏi mà thi trượt. Hay chỉ vào học một học kì của lớp 10 nhiều em cấp hai xếp học lực loại giỏi cũng chỉ còn là loại trung bình thậm chí là xếp loại yếu.
Chừng nào các trường THCS đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất, chừng nào cha mẹ các em không ảo vọng và tạo sức ép cho con theo ý mình, thì lúc đó sẽ giảm đi tình trạng điểm cao mà vẫn trượt.