Luật mới ở Na Uy sẽ bắt buộc nhóm sao mạng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải gắn nhãn "ảnh đã qua chỉnh sửa" tại các bài đăng thông thường lẫn bài quảng cáo, theo Insider.
Quy định mới áp dụng cho tất cả bức ảnh có bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến kích thước cơ thể, hình dạng hoặc làn da, tạo ra vẻ đẹp phi thực tế.
Với các phần mềm, bộ lọc chỉnh ảnh sẵn có, các cô gái dễ dàng có vẻ ngoài đẹp đẽ, bắt mắt trên mạng. Ảnh: Glamour. |
Theo đó, những tên tuổi có đông lượt theo dõi sẽ phải tiết lộ hình ảnh gốc đã bị can thiệp như thế nào, ví dụ như dùng bộ lọc của Instagram, Snapchat hay nhờ phần mềm giúp eo thon, kéo dài chân, làm dày môi.
Các công ty, thương hiệu kiếm lời từ những hình ảnh quảng cáo vốn trải qua khâu biên tập kỹ càng cũng phải tuân theo nguyên tắc mới.
Trong đề xuất ban đầu trình lên quốc hội, Bộ Trẻ em và Gia đình Na Uy cho biết những người trẻ tuổi ở nước này đang chịu áp lực lớn về ngoại hình và muốn bản thân phải thật đẹp, dẫn đến chứng biếng ăn. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong ở các cô gái trẻ, theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia.
Trong đó, các hình ảnh, video "sống ảo" do sao mạng chia sẻ rộng rãi trên Internet khiến sự ám ảnh càng trầm trọng hơn.
Bằng cách gắn nhãn "ảnh đã qua chỉnh sửa" do chính phủ cung cấp, các nhà chức trách hy vọng động thái này sẽ giảm bớt suy nghĩ tiêu cực ở thanh, thiếu niên về vẻ ngoài, cơ thể.
Hình ảnh "sống ảo" đẹp đẽ từ nhóm người nổi tiếng được cho là dễ làm tăng độ tự ti ở những người bình thường. Ảnh: NY Times. |
"Giới trẻ đang cố gắng vươn lên lý tưởng làm đẹp xa vời và mắc kẹt trong cảm giác tự ti về bản thân. Tôi thấy quy định mới sẽ giúp họ hiểu rằng những người bạn nghĩ xinh nổi bật cũng phải nhờ photoshop mới lung linh đến vậy", Agnete Husebye, nữ YouTuber nổi tiếng tại Na Uy, cho biết ủng hộ luật mới.
Quy định mới được thông qua trong phiên họp Quốc hội Na Uy vào đầu tháng 6 với số phiếu áp đảo và sẽ chính thức có hiệu lực khi quốc vương nước này ký lệnh ban hành.
Trước Na Uy, một số quốc gia cũng áp dụng các biện pháp tương tự.
Vào tháng 2, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo của Vương quốc Anh đưa ra lệnh cấm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sử dụng các bộ lọc làm đẹp phi thực tế trong các quảng cáo, theo Glamour.
Năm 2017, Pháp quy định bất kỳ "hình ảnh thương mại nào đã chỉnh sửa để người mẫu trông nhỏ gọn hơn sẽ bị gắn cảnh báo trên đó", theo BBC.
Năm 2014, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Sự thật trong quảng cáo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi thông điệp tiêu cực về cơ thể lý tưởng. Tuy nhiên, luật này không được thông qua sau đó.