Phương án TP HCM trình Bộ GD&ĐT là TP tự ra đề thi, cơ cấu các môn thi có thể gồm 2 môn văn, toán (hoặc 3 môn văn, toán, ngoại ngữ) và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp.
Không lo tiêu cực?
Bộ GD&ĐT và UBND TP HCM vừa ra thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND TP HCM tại buổi làm việc về phát triển GD&ĐT TP HCM. Trong thông báo này, Bộ GD&ĐT thống nhất nhiều nội dung theo đề xuất của TP. Trong đó có tăng cường phân cấp cho TP tổ chức hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT; bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Ông Trần Quang Nam, trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết nếu TP HCM thí điểm thành công, sẽ nhân rộng cho cả nước.
Từ năm 2014 trở về trước, Bộ GD&ĐT vẫn duy trì riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT. TP HCM hầu như chưa năm nào có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%, thậm chí còn thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác nhưng kết quả tốt nghiệp mỗi năm được các trường ĐH đánh giá là trung thực, khách quan, phản ánh đúng tình hình dạy và học ở TP.
Lý giải về việc TP HCM đề xuất lên Bộ GD&ĐT cho phép được tự công nhận tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám Đốc Sở GD&ĐT, khẳng định địa phương được chủ động công nhận tốt nghiệp THPT sẽ sát với trình độ học sinh hơn. Từ đổi mới thi cử sẽ kéo theo đổi mới quá trình dạy và học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ học vật lý Ảnh:
Người Lao Động. |
Trước mắt sẽ có 2 phương án. Một là, thi theo đề thi do Bộ GD&ĐT quy định. Hai là, TP tự ra đề thi. Ông Đạt cũng cho rằng việc phân cấp càng cụ thể, quá trình kiểm tra, giám sát càng mạnh. Bộ GD&ĐT có thể trực tiếp giám sát hoặc sử dụng công cụ độc lập để giám sát.
“TP HCM lâu nay học thật, thi thật, cũng đã đưa một số chương trình quốc tế vào đánh giá học sinh như “chuẩn Pisa” nên không lo tiêu cực” - ông Đạt nói.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM, giải thích thêm đề xuất này bắt nguồn từ chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT và chủ trương giao quyền chủ động cho các trường được điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên nguyên tắc bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu. Việc chủ động chương trình, sách giáo khoa sẽ giúp chủ động đánh giá, công nhận tốt nghiệp.
Theo ông Hoàng, nếu Bộ GD&ĐT đồng ý, TP có thể thực hiện ngay trong năm học 2016-2017. Phương án TP trình Bộ GD&ĐT là TP tự ra đề thi. Cơ cấu các môn thi có thể gồm các môn cơ bản như 2 môn văn, toán hoặc 3 môn văn, toán, ngoại ngữ. Còn một môn để học sinh tự chọn.
Với phương thức này, ngay từ lớp 10, học sinh sẽ định hướng được các môn học thật tốt. Các trường tự chủ chương trình và thời lượng giảng dạy. Với một bài học, Bộ GD&ĐT xác định trọng tâm là gì, quy định thời lượng 2 tiết. Tùy từng trường, nếu thấy quan trọng thì có thể tăng thêm 3, 4 tiết hoặc không quan trọng thì có thể cắt. Trước mắt, các tổ chuyên môn sẽ hướng dẫn giáo viên, sau đó tổng hợp gửi về sở để kiểm tra.
Các trường ĐH phải tổ chức thêm 1 kỳ thi
Việc TP HCM được phân cấp thí điểm tổ chức hầu hết các khâu trong tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT khiến không ít nhà giáo băn khoăn. Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc - SIC (trường công lập thuộc Sở GD-ĐT TP HCM), đặt vấn đề TP thí điểm tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT để làm gì trong khi việc công nhận tốt nghiệp phải được đánh giá trên bình diện chung của cả nước.
“TP HCM tổ chức thi tốt nghiệp THPT riêng trong khi 62 tỉnh - thành còn lại thi theo kế hoạch, đề thi của Bộ GD&ĐT. Vậy giá trị pháp lý, giá trị tấm bằng của học sinh TP tới đâu, ai công nhận? Nếu đề thi của TP HCM khó trong khi đề thi của Bộ GD&ĐT cho các địa phương dễ thì học sinh TP sẽ đến nơi khác thi, ngược lại học sinh tỉnh khác sẽ chạy về. Đây là hệ lụy bộ phải nghĩ đến” - một chuyên gia băn khoăn.
Nguyên hiệu trưởng một trường THPT khác đặt vấn đề nếu như TP HCM tổ chức thi tốt nghiệp riêng cho học sinh trong khi các tỉnh còn lại vẫn tiếp tục thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH thì học sinh TP HCM lại phải tham gia thi lần nữa để lấy kết quả xét ĐH.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng mục đích của thi tốt nghiệp để kiểm tra kiến thức căn bản còn thi tuyển ĐH nhằm tuyển chọn những thí sinh phù hợp. Do vậy, trường sẽ không dùng kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT đưa về địa phương tổ chức, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM sẽ kết hợp với ĐHQG TP HCM tổ chức thi để tuyển sinh.
Đồng quan điểm này, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng xác định đối tượng tuyển sinh là quyền của các trường ĐH nên hãy để các trường tự quyết.
Ở Trường ĐH Luật TP HCM, năm nay, trường xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi THPT quốc gia 2016 (chiếm 60% tỉ trọng điểm) và kết quả học bạ THPT (20%) cùng kỳ kiểm tra năng lực. Nếu giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương thì trường sẽ xem xét lại việc có dùng kết quả thi THPT, học bạ hay không.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, nếu bộ đồng ý, TP sẽ làm việc với các trường ĐH về chủ trương này. Đa số các trường ĐH tập trung tại TP HCM và đang thực hiện tự chủ. Nếu các trường ĐH muốn thêm một kỳ kiểm tra trình độ học sinh nữa thì có thể làm theo phương án của ĐHQG Hà Nội.Tức là có một bài khảo sát theo hướng đánh giá tư duy, năng lực trên mạng, học sinh ở nhà hoặc ở vùng sâu, vùng xa chỉ cần máy tính là thực hiện được bài khảo sát này.
Thạc sĩ HÀ HỮU THẠCH, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM): Giảm áp lực cho học sinh
Việc TP HCM đề xuất cơ chế tự công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực, gánh nặng cho cả phụ huynh, học sinh. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này.
Suy cho cùng, đích đến của học sinh là vào ĐH, sau khi ra trường làm được việc, được xã hội đánh giá, công nhận nên kết quả kiểm tra nếu có tiêu cực cũng không thể giấu giếm.
Một hiệu trưởng Trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP HCM: Sớm công khai quy trình đánh giá
Khi giao quyền chủ động cho các trường thì cũng phải có quy định giáo viên chịu trách nhiệm với sản phẩm đào tạo của mình, tránh tình trạng giáo viên nương tay cho học sinh có kết quả học bạ đẹp.
Muốn làm được điều này, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường ĐH với các trường phổ thông để theo dõi học sinh suốt cả quá trình và phải công khai để tránh tiêu cực. Nếu TP chủ trương thực hiện ngay trong năm học mới, cần cụ thể chương trình dạy học, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ thế nào để các trường không lúng túng, học sinh không bị động.
PGS.TS NGUYỄN XUÂN HOÀN, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Không nên tổ chức thi tốt nghiệp
Đối với bậc THPT, Luật Giáo dục có quy định: “Học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh/TP cấp bằng tốt nghiệp THPT". Như vậy, việc phân cấp cho các tỉnh, thành thực hiện việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp không trái luật.
Vấn đề là việc tổ chức thi tốt nghiệp liệu có cần thiết hay không? Cần đánh giá một cách khách quan bởi hầu hết ở các bậc học phổ thông, giáo dục ĐH đều không tổ chức thi tốt nghiệp nữa mà chỉ xét tốt nghiệp khi hoàn thành chương trình học, đồng thời trong suốt nhiều năm gần đây, tỉ lệ thi tốt nghiệp đạt rất cao.
Điều đó đồng nghĩa kỳ thi tốt nghiệp không còn nhiều ý nghĩa. Việc phân cấp công tác tốt nghiệp cho các tỉnh, thành là phù hợp, đồng thời nên chỉ xét tốt nghiệp chứ không nên tổ chức thi tốt nghiệp.