Chiều 19/9, Bộ GD - ĐT đã trao đổi với báo chí về dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong đó, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử là một trong những nội dung quan trọng đang được dư luận rất quan tâm. Theo đề án này, đây là một trong những vấn đề trọng tâm cần được thay đổi.
Phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ
Dựa trên những tiêu chí đổi mới về kiểm tra, đánh giá, thi cử; Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ được duy trì nhưng gọn nhẹ, hiệu quả hơn và phản ánh được chất lượng giáo dục.
Đối với kỳ thi tuyển sinh đại học, Bộ GD - ĐT sẽ đổi mới theo phương án các trường được tự chủ trong vấn đề tuyển sinh. Đây là một trong những nội dung của Luật Giáo dục đại học đã thông qua. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, 10 trường đại học khối nghệ thuật tuyển sinh riêng đã đạt được kết quả rất khả quan.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong buổi họp báo chiều 19/9. |
Như vậy, theo Thứ trưởng Hiển các trường có thể tự tổ chức thi, hoặc xét tuyển dựa hoàn toàn hoặc một phần vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Nếu đề án này được thông qua, kỳ thi đại học, cao đẳng theo phương thức ba chung (chung đề, chung đợt, chung điểm) như hiện nay sẽ không còn.
Trung thực, khách quan, phản ánh năng lực người học
Trong đề án này, đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, kiểm tra, đánh giá là một trong 6 nhiệm vụ cần thực hiện.
Cụ thể, đề án nêu rõ: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Giải pháp này nhằm xây dựng hệ thống đánh giá kết quả giáo dục một cách khoa học, hiệu quả, góp phần tạo ra một nền giáo dục thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.
Theo đó, các nhiệm vụ của thể cần được thực hiện là:
1. Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”; đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội.
2. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
3. Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp đối với giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề trên cơ sở đánh giá năng lực thực hiện, kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, có sự tham gia của doanh nghiệp hoặc đại diện sử dụng lao động.
4. Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo; đánh giá kết quả đào tạo đại học theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, phê phán, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi với môi trường làm việc.
5. Ngoài việc đánh giá kết quả học tập của người học, cần tiến hành các hình thức đánh giá chất lượng giáo dục cả nước, từng địa phương, từng cơ sở giáo dục; thực hiện các kỳ đánh giá quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông và tham gia đánh giá quốc tế để làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
6. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước, của xã hội. Định kỳ kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo, công khai kết quả kiểm định trước xã hội.
Được biết, dự thào này sẽ được trình lên hội nghị Ban chấp hành Trung ương 6 (khóa XI) vào tháng 10.