Tại Hội nghị Triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết chậm nhất đến ngày 1/1/2018, kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I sẽ được liên thông.
Đến năm 2020, việc liên thông xét nghiệm sẽ được tiếp tục thực hiện đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cho biết hàng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện, có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.
Việc liên thông xét nghiệm sẽ đòi hỏi các phòng xét nghiệm phải được đánh giá mức chất lượng, tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm, hiệu chuẩn thiết bị và triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến quản lý chất lượng xét nghiệm, qua đó, độ chính xác, tin cậy của xét nghiệm được tăng lên, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị người bệnh.
Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí.
“Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm, chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng”, PGS Khuê phân tích.
GS.GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HQ. |
Tại hội nghị, GS.GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết xét nghiệm có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, phát hiện và theo dõi tiến triển bệnh. Việc các bệnh viện chưa công nhận kết quả xét nghiệm gây tốn kém về tiền bạc, thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến cả quá trình khám chữa bệnh. Thực tế có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm.
“Ví dụ bệnh nhân bệnh viện A chuyển sang bệnh viện B phải làm lại xét nghiệm, rất tốn kém, phí thời gian, bỏ phí cơ hội điều trị. Tiến tới liên thông kết quả xét nghiệm sẽ có lợi hơn cho người bệnh. Các xét nghiệm ở bệnh viện này phải được công nhận ở bệnh viện khác. Việc này giúp nâng cao kết quả chất lượng xét nghiệm, giảm những chi phí không cần thiết. Nơi nào làm chưa tốt thì phải phát triển tốt hơn, và phải có sự kiểm tra lẫn nhau cả ngoại kiểm và nội kiểm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo lộ trình đến năm 2025, việc liên thông xét nghiệm sẽ được thực hiện ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến trung ương thường tốt hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến dưới chất lượng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, các bệnh viện tư nhân cũng phải tham gia liên thông và cũng phải được đánh giá chất lượng để thực hiện liên thông.