Quá tải
- Sau 14h30 hôm nay là thời gian công bố điểm thi, các trang tra điểm thi không thể truy cập. Bộ GD&ĐT giải thích và khắc phục tình trạng này thế nào?
- Trước khi công bố điểm thi, tất cả những giải pháp kỹ thuật đều được Bộ GD&ĐT tính toán rất kỹ. Trong đó, chúng tôi đã phân tán và cắt nhỏ cơ sở dữ liệu cho 8 trường đại học có cơ sở vật chất tốt để phục vụ thí sinh.
Tuy nhiên, việc thí sinh khắp nơi háo hức cùng tra cứu điểm thi lúc bắt đầu công bố dẫn đến việc hệ thống làm việc quá tải, không thể truy cập được. Điều này có thể dễ hiểu. Ví dụ, Đại học Đà Nẵng có lúc lên tới 50.000-60.000 người cùng truy cập.
Tới thời điểm hiện tại, tất cả hệ thống của trường đại học và Bộ GD&ĐT tra cứu tốt. Trong thời gian tiếp theo, lượng thí sinh truy cập ngày càng giảm, không còn tiếp tục tình trạng khó khăn.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga trả lời báo chí chiều 22/7. Ảnh: Tuệ Anh. |
Rút kinh nghiệm, sang năm, chúng tôi có thể mở rộng truy cập ở nhiều trường đại học khác. Tuy nhiên, việc tất cả các cụm thi đều công bố điểm không đảm bảo vì cơ sở hạ tầng của các địa phương không tốt.
- Tại sao Bộ GD&ĐT không dành việc quản lý công nghệ thông tin cho bộ phận thuộc trong ngành mà lại là một trung tâm dịch vụ bên ngoài?
- Vấn đề quan trọng ở đây là cơ sở hạ tầng - máy chủ làm thế nào có thể chứa số lượng hàng trăm nghìn người truy cập cùng một lúc. Bộ GD&ĐT có thể thuê một đơn vị cung cấp dịch vụ bất kỳ ở bên ngoài để lưu trữ cơ sở dữ liệu. Điều này khác với việc chúng ta thiết kế một phần mềm hay làm website. Nếu Bộ tự cung cấp thì sẽ quá lãng phí và không cần thiết.
Theo tính toán, hệ thống máy chủ sẽ chịu 60.000 truy cập cùng lúc nhưng khi bắt đầu công bố lượng thí sinh đã lên quá cao. Số lượng này, chúng ta không chuẩn bị được. Sau khi khởi động lại, hệ thống truy cập điểm thi lại hoạt động bình thường.
- Trước đó, sự cố sập mạng từng xảy ra trong năm 2002 khi lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng “3 chung”. Tại sao hiện giờ Bộ GD&ĐT vẫn chủ quan tính toán chỉ có 60.000 người truy cập cùng lúc?
- Năm 2002 so với 2015 đã khác quá xa cả về cơ sở hạ tầng và tốc độ truy cập. Trước đây, chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu nào làm cùng một lúc cho cả triệu thí sinh. Do số lượng thí sinh quá lớn, chúng ta buộc phải chấp nhận những trục trặc và khắc phục.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã nhận được rất nhiều phương án kỹ thuật của các trường đại học, chúng tôi đã cân nhắc phương án nào khả thi nhất.
- Tại sao Bộ GD&ĐT không công bố sớm hơn việc phân chia công bố cho 8 trường đại học để chuẩn bị tốt hơn về mặt kỹ thuật?
- Chỉ khi có dữ liệu đầy đủ về điểm thi, Bộ GD&ĐT mới có thể tính toán được. Trước đây, các trường cũng đã lập địa chỉ truy cập, chỉ khi Bộ giao dữ liệu, các trường mới công bố.
Dữ liệu điểm thi phải được Bộ GD&ĐT rà soát, gửi lại các cụm thi để kiểm tra lại nên mất rất nhiều thời gian. Sau khi hoàn tất dữ liệu, chúng tôi phải rà soát xem trường nào đủ khả năng công bố.
Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh không thể truy cập các trang tra điểm thi. |
Trường top giữa dễ tuyển sinh hơn top đầu
- Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình điểm thi và phổ điểm của kỳ thi năm nay?
- Hiện tại, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục đang thống kê về phổ điểm trên cả nước. Kết quả về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ được chính thức công bố trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, chúng ta có phể phán đoán, kết quả thi đại học năm nay tốt hơn so với năm ngoái, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT giảm. Điều này do đề thi bao gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% thuộc phần khó.
- Thưa thứ trưởng, nhìn nhận chung về bức tranh thi THPT quốc gia năm nay có gì khác so với mọi năm?
- Năm nay, phổ điểm thi phân bố trung bình 5-6 điểm, các vùng top giữa tuyển sinh dễ dàng còn các trường top cao tuyển sinh khó hơn vì giảm thí sinh đạt 9-10. Tuy nhiên, theo quy chế, thí sinh biết điểm rồi mới đăng ký vào trường nên khâu tuyển sinh sẽ không gây khó khăn.