Elias Abuelazam sinh năm 1976, trong gia đình Cơ đốc giáo khá giả ở thành phố Ramla, Israel. Khi còn nhỏ, Abuelazam chuyển đến Mỹ cùng gia đình sau khi mẹ anh tái hôn. Tại đây, anh lấy được thẻ xanh, nhưng không được nhập quốc tịch Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao, Abuelazam đã đổi họ của mình thành Abullazam vào tháng 3/1995.
Đến năm 2008, Abuelazam làm việc tại Trung tâm Sức khỏe Piedmont, LLC (cơ sở tâm thần vị thành niên ở Leesburg, Virginia) với tư cách là kỹ thuật viên sức khỏe tâm thần.
Thời gian sau, Abuelazam chuyển đến Michigan, làm nhân viên bán hàng tại Chợ Kingwater ở Beecher từ ngày 5/7 đến ngày 1/8/2010. Tuy nhiên, ngày 29/7, Abuelazam bị tố cáo vì đã cho trẻ vị thành niên uống rượu. Ngày 7/8, một người đàn ông 59 tuổi bị đâm ở Toledo, Ohio và Abuelazam đã bị truy tố trong vụ án. Đây chính là sự mở đầu cho hàng loạt tội ác của kẻ sát nhân lần lượt được đưa ra ánh sáng.
Elias Abuelazam. Ảnh: The Denver Post. |
Động cơ gây án
Cảnh sát và các công tố viên cho biết Abuelazam thường lái xe vào đêm khuya để tiếp cận những nạn nhân đang đi bộ một mình. Anh ta hỏi đường hoặc nhờ trợ giúp vì hỏng xe, sau đó ra tay sát hại họ rồi tẩu thoát. Abuelazam thường đâm vào ngực và bụng của nạn nhân.
Các vụ tấn công thường xảy ra cách nhau 4 ngày. Nạn nhân trẻ nhất 17 tuổi và người già nhất là 60 tuổi. Ngoài ra, họ chủ yếu là người da đen, thấp, gầy, không có cơ bắp.
Cảnh sát ở Leesburg nghi ngờ các cuộc tấn công có thể do động cơ chủng tộc. Tuy nhiên, các công tố viên quận Genesee đã phản bác lại suy đoán này vì trong số những nạn nhân xấu số có 2 người là người da trắng.
Trước khi xảy ra các vụ tấn công, Abuelazam đã nhiều lần vướng vào luật pháp như vi phạm giao thông và sở hữu vũ khí trái phép. Năm 2008, Abuelazam bị bắt vì cản trở thi hành pháp luật, đã phải ngồi tù ít nhất một tháng vì tội lừa đảo ở California.
Abuelazam cũng bị nghi ngờ đã đâm vào mặt người bạn bằng tuốc-nơ-vít trong chuyến thăm gia đình ở Ramla, Israel vào đầu năm 2010. Cảnh sát đã không thụ án vì người bạn từ chối buộc tội.
Các vụ thảm sát
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 24/5/2010 ở thành phố Flint thuộc bang Michigan (Mỹ). 6h hôm đó, thi thể một người đàn ông được phát hiện trong sân khu dân cư. Sau khi tiến hành điều tra, cảnh sát cho biết nạn nhân là David Dwayne Motley (31 tuổi) bị đâm nhiều nhát dao dẫn đến tử vong.
Vụ tấn công đẫm máu thứ 2 xảy ra gần một tháng sau đó. Ông Emmanuel Muhammad, 59 tuổi, được phát hiện bị đâm chết lúc 2h ngày 21/6, nhưng cảnh sát có rất ít manh mối và không tìm ra đối tượng tình nghi.
Davon Rawls may mắn sống sót sau cuộc tấn công của Abuelazam. Ảnh: True Crime. |
Từ 26/6 đến đầu tháng 8, các vụ giết người liên tiếp xảy ra. Ngày 26/6, Bill Fisher, khi đó 42 tuổi, bị tấn công vào khoảng 5h50 trên đường Pierson gần Clio. Vụ tấn công tiếp theo xảy ra ngày 12/7 ở Burton (Michigan), cách Flint vài dặm về phía đông, khi một người đàn ông da đen bị tấn công lúc 1h trên đường Saginaw gần đại lộ Maple.
Một tuần sau, ngày 19/7 xảy ra vụ tấn công tại Genesee, cách Flint không xa về phía đông bắc. Lần này, Richard Booker, người đàn ông da trắng 49 tuổi, bị tấn công lúc 1h30 khi ông này đang trên đường tới cửa hàng gần đó.
Theo lời kể của Richard, người đàn ông đứng gần chiếc xe Chevy Blazer màu xanh đã nhờ ông mở giúp chiếc mui xe ôtô. Khi Richard đang mở thì bất ngờ hắn rút ra con dao đâm liên tiếp. May mắn thay, ông đã kịp kháng cự và chạy thoát.
Khi cảnh sát đang tiến hành điều tra và chưa bắt được hung thủ, ngày 23/7/2010, thanh niên da đen 21 tuổi đã bị tấn công lúc 5h45 trên đại lộ University ở Flint. 3 ngày sau, Darwin Marshall, 43 tuổi, bị đâm lúc 1h25 trên đường Garland. Nạn nhân tử vong ngay tại chỗ vì vết thương chí mạng.
Một thời gian ngắn sau đó, từ ngày 27/7 đến ngày 7/8, nhiều vụ thảm sát liên tiếp xảy ra. Tất cả nạn nhân dường như không hề quen biết với hung thủ. Họ bị tấn công khi ra ngoài vào ban đêm khi đi một mình. Trong 18 vụ tấn công, chỉ có 2 nạn nhân là người da trắng.
Theo cảnh sát, hung thủ chỉ tấn công chứ không cướp bóc. Ngoài ra, những nạn nhân may mắn sống sót đều có những mô tả giống nhau về kẻ tấn công: Đó là người đàn ông da trắng, tóc màu sáng và thân hình vạm vỡ. Hắn lái chiếc xe Chevy Blazer màu xanh đậm. Ngay sau đó, hình vẽ phác họa chân dung kẻ tấn công đã được công bố với hy vọng có được manh mối về hung thủ.
Thi hành bản án
Ngày 5/8/2010, Abuelazam đang lái chiếc Chevy Blazer màu xanh thì bị bắt giữ ở Arlington, bang Virginia trong vụ va chạm giao thông. Khi kiểm tra, cảnh sát phát hiện con dao và chiếc búa bên trong xe ôtô. Tuy nhiên, Abuelazam được thả sau khi nộp phạt.
Mãi đến ngày 11/8 năm đó, cảnh sát nhận được tin báo buộc tội Elias Abuelazam về các vụ án giết người. Lực lượng nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhanh chóng bắt giữ Abuelazam tại sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, trong khi hắn chuẩn bị lên chuyến bay của Delta Airlines đến Tel Aviv.
Abuelazam bị dẫn giải về Michigan chờ ngày xét xử. Nếu bị kết tội, hắn có thể phải chịu án phạt tù chung thân không ân xá.
Vào ngày 13/8/2010, Abuelazam từ bỏ quyền chống lại việc dẫn độ sang Michigan. Gia đình Abuelazam cũng thuê các luật sư để kháng cáo. Abuelazam bị biệt giam trong nhà tù quận Genesee vào ngày 26/8.
Elias Abuelazam trong phiên tòa. Ảnh: Mlive. |
Tại phiên tòa ngày 8/5/2012, thẩm phán ra lệnh giam giữ mà không được bảo lãnh, ngay cả khi công tố viên yêu cầu bảo lãnh 10 triệu USD.
Vào ngày 15/5/2012, công tố viên đã đưa ra các bằng chứng cáo buộc Abuelazam. Trong đó có 50 nhân chứng (bao gồm các nạn nhân và người thân của họ, một số chuyên gia pháp y, cũng như chú của Abuelazam, người đã hỗ trợ cảnh sát bắt giữ anh ta) và máu của Minor trên một chiếc quần được tìm thấy trong hành lý của Abeulezam.
Hai ngày sau, vào ngày 17/5, các luật sư của Abuelazam đã đưa ra lời bào chữa “điên rồ” rằng Abuelazam bị tâm thần phân liệt và “linh hồn ma quỷ” xui khiến anh ta phạm tội. Nhân chứng duy nhất của họ là bác sĩ tâm thần được thuê bởi các luật sư. Tuy nhiên, những lời bào chữa này đã bị vô hiệu.
Vào ngày 22/5/2012, chỉ sau một giờ thảo luận, bồi thẩm đoàn đã kết luận Abuelazam phạm tội giết Minor. Vào ngày 25/6, Abuelazam bị kết án tù chung thân không ân xá.