Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Sau 2 năm đại dịch, sinh viên Mỹ trở lại trường giữa một dịch khác

Các chuyên gia cho biết trẻ em có nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ thấp. Nhưng bạn cần lưu ý các lời khuyên dưới đây để phòng tránh cho đối tượng trẻ sơ sinh và sinh viên.

Sau hai năm đại dịch, học sinh trên khắp nước Mỹ đang trở lại trường học, và giữa một dịch bệnh khác: Đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh ở khắp các tiểu bang. Hầu hết tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã ghi nhận các ca mắc bệnh với hơn 11.000 trường hợp xác nhận trên toàn quốc, theo New York Times.

Sự kiện một nhân viên chăm sóc trẻ ở bang Illinois có kết quả xét nghiệm dương tính khiến một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo thể lây lan trong môi trường nhóm như trường học, nhà trẻ.

Tiến sĩ Ibukun Kalu - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại ĐH Y Duke - cho biết bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như Covid-19 hoặc các bệnh thông thường khác. Khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với vết phát ban của người bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đậu mùa khỉ cũng có thể lây lan khi chạm vào đồ vật, vải và bề mặt mà người nhiễm bệnh sử dụng khi chưa được làm sạch, hoặc thông qua giọt bắn. Khi trẻ trở lại trường, dễ hiểu khi nhiều phụ huynh tại Mỹ vẫn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trong trường học. Nỗi lo cũng nhiều hơn đối với nhóm sinh viên đại học.

chung dau mua khi anh 1

Sinh viên Mỹ đang trở lại trường sau 2 năm đại dịch. Ảnh minh họa: AFP.

Nguy cơ lây nhiễm trong học đường

TS.BS Jay Varma - Nhà dịch tễ học chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Weill Cornell (New York) - cho biết: “Có khả năng bệnh sẽ xảy ra ở phụ nữ, trẻ em và những người đang mang thai. Trẻ có thể bị nhiễm bệnh từ người thân trong nhà và mang virus này đến trường học. Các dấu hiệu nhiễm bệnh sẽ khác nhau theo từng độ tuổi”.

Mặc dù khả năng lây lan rộng rãi trong nhà trẻ hay trường học rất thấp, vẫn có nguy cơ khi các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng. Người lớn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho trẻ như đeo khẩu trang tại nơi đông người, tránh dùng chung đồ cá nhân, rửa tay thường xuyên và cách ly tại nhà khi có biểu hiện bệnh.

Tại Mỹ, vaccine và thuốc điều trị bệnh tuy không được cung cấp rộng rãi nhưng đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ dưới 18 tuổi tiếp xúc hoặc có nguy cơ lây nhiễm.

TS Kalu cho biết cần chú ý đến dấu hiệu phát ban và các triệu chứng khác, nhanh chóng đi khám khi vết ban bắt đầu lan rộng và chưa từng xuất hiện trước đó.

Ban đầu các vết phát ban màu đỏ và chứa đầy mủ, có thể nổi trên mặt, tay, chân và bộ phận sinh dục giống như bệnh thủy đậu (không cùng loại virus gây ra) hoặc bệnh tay chân miệng.

Phát ban ở người lớn giống mụn trứng cá hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes hoặc giang mai, đặc biệt nếu phát ban chỉ giới hạn ở vài nốt mụn mủ. Các triệu chứng khác của bệnh gồm sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, đau hoặc chảy máu trực tràng. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong ba tuần sau tiếp xúc kéo dài 2-4 tuần.

chung dau mua khi anh 2

Một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại New York, tuy nhiên vaccine vẫn chưa được tiêm đại trà. Ảnh: Reuters.

Đề phòng lây nhiễm cho từng nhóm tuổi

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần trong thời gian dài, do đó, về lý thuyết, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh (0-4 tuổi) có thể nhiễm bệnh từ người chăm sóc nếu ôm, hôn và thay tã khi tay họ có vết phát ban, hoặc lây qua đồ chơi, đồ dùng chung, giường.

Tuy nhiên, các trường học tại Mỹ đều có chính sách khử trùng đồ chơi và các bề mặt, tránh dùng chung giường, khăn trải và quần áo. Dù nhân viên chăm sóc trẻ tại Illinois có kết quả dương tính bệnh đậu mùa khỉ, không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nào ở trẻ em và nhân viên khác. Tất cả đều được tiêm vaccine phòng ngừa.

TS Kristina Bryant - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa, Bệnh viện Nhi đồng Norton (Louisville, Mỹ) - lưu ý cha mẹ cần cẩn trọng khi phát hiện trường hợp trẻ phát ban kéo dài trong vài ngày kèm sốt.

Nhiều khả năng trẻ chỉ mắc bệnh thông thường như tay chân miệng. Tuy nhiên nếu mắc đậu mùa khỉ có thể gây nên tình trạng nghiêm trọng cho trẻ dưới 8 tuổi, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh về da như chàm. Bạn nên giữ trẻ ở nhà để theo dõi, không đưa trẻ đến nhà trẻ khi có dấu hiệu phát ban. Bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ khi thấy dấu hiệu lo ngại.

TS Schaffzin - Giám đốc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati - cho biết nếu nhân viên chăm sóc có khả năng phơi nhiễm, cần theo dõi trẻ đã tiếp xúc với mình thật kỹ, đảm bảo vệ sinh và theo dõi bản thân cũng như trẻ tại nhà cho đến khi không phát hiện triệu chứng.

Với trẻ mầm non, tiểu học (4-10 tuổi), TS Bryant khuyên phụ huynh cho trẻ ở nhà và nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên khi có biểu hiện sốt. Người nhiễm bệnh nên được cách ly, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, che vết phát ban cẩn thận bằng cách mặc áo dài tay, quần dài, mang găng tay.

TS Bryant phân tích trẻ trong độ tuổi này nhận thức khá rõ việc cần giữ vệ sinh cá nhân, không dùng chung vật dụng. Điều quan trọng là người lớn cần hiểu rõ vấn đề để bảo vệ chính mình, đồng thời chia sẻ cởi mở với con về căn bệnh này.

Trẻ trong độ tuổi thiếu niên (11-18 tuổi) có các hoạt động thể chất và tiếp xúc gần như đấu vật, sử dụng chung đồng phục có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với các bạn khác. Nhưng điều đó không đồng nghĩa trẻ phải ngưng tham gia các hoạt động. Chỉ cần nhà trường và phụ huynh cung cấp đủ thông tin cho trẻ nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

“Các vận động viên được khuyến khích giữ vệ sinh cá nhân và kiểm tra da để phát hiện bệnh nhiễm trùng khác như tụ cầu. Tôi không thực sự lo lắng việc chơi thể thao sẽ dẫn đến nhiều đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ mới tại trường học", TS Kalu nói.

Để đảm bảo an toàn và giảm khả năng lây lan virus trường học, trẻ cần sử dụng chất khử trùng để làm sạch các bề mặt tiếp xúc như thiết bị tập luyện, phân loại đồng phục sạch, dơ và mang găng tay.

Cha mẹ có thể chủ động trao đổi về chuyện giới tính với con và chia sẻ thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, nguyên nhân lây lan chính thông qua tiếp xúc thân mật, quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo, hôn hoặc âu yếm.

Với sinh viên, khả năng lây nhiễm sẽ cao như người lớn thông qua tiếp xúc gần tại các buổi tiệc hoặc quan hệ tình dục. Do đó, sinh viên có thể cân nhắc tiêm ngừa khi đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, New York Times khuyên bạn đọc tìm hiểu con có nắm được đầy đủ các triệu chứng của bệnh và cách quan hệ tình dục an toàn hay không. Mặc dù bao cao su có thể làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, chúng không có khả năng phòng tránh hoàn toàn.

Khó thở hậu Covid-19 có thể không phải do nCoV

Khó thở hậu Covid-19 có thể từ các nguyên nhân tồn tại trước khi mắc bệnh. Sau khi nhiễm nCoV, chúng bùng phát hay trầm trọng hơn do virus tác động lên hệ cơ trên cơ thể.

Dịch tay chân miệng

Như Ngọc

Bạn có thể quan tâm