Zing.vn trích dịch bài viết của tác giả Chaewon Chung đăng trên South China Morning Post đề cập đến những bất công về bất bình đẳng giới mà các nữ idol Hàn Quốc phải gánh chịu.
Bất bình đẳng giới từ lâu đã trở thành một trong những tâm điểm ở xã hội Hàn Quốc.
“Tôi không hiểu tại sao chỉ có sự nghiệp của các idol nữ chấm dứt khi chuyện tình yêu của họ với một nam idol khác được công khai”, Way, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Crayon Pop (Hàn Quốc) vẫn luôn thắc mắc.
Way bối rối khi nhớ lại việc công ty quản lý Chrome từng gọi cô và các thành viên khác đến để bàn luận về mối quan hệ giữa hai thần tượng Kpop.
Công ty cũng cảnh báo các nữ thần tượng không được dính dáng vào bất kỳ mối quan hệ nào nếu họ không muốn sự nghiệp của mình bị ảnh hưởng.
Tiêu chuẩn khắc nghiệt và đòi hỏi vô lý
Ở Hàn Quốc, một trong những ví dụ điển hình của vấn đề này được thấy qua ngành công nghiệp giải trí, nơi các nhóm nhạc nữ thường xuyên bị chỉ trích gay gắt hơn các đồng nghiệp nam.
Vào tháng 2 năm ngoái, một đoạn livestream của Mijoo, thành viên nhóm nhạc nữ Lovelyz, được phát tán trên mạng xã hội.
Trong video, khi tình cờ đọc được một bình luận khiếm nhã từ người xem với nội dung “Hãy cho chúng tôi xem ngực của bạn”, một thành viên trong nhóm đã buộc miệng nói tục phía sau camera.
Ngay lập tức, đoạn livestream được chia sẻ chóng mặt kèm theo hàng nghìn lời chỉ trích nghiêng về phía nhóm nhạc nữ Lovelyz, và cho rằng họ đã tự phá hủy hình ảnh của chính mình.
Woollim Entertainment, công ty chủ quản của Lovelyz, đã đưa ra lời xin lỗi công khai, nhưng những chỉ trích ác ý vẫn không chịu buông tha họ.
Nhóm nhạc nữ Lovelyz nhận phải nhiều chỉ trích của công chúng. |
Trong khi đó, một video tổng hợp về những lần vạ miệng của các idol nam, bao gồm Sunggyu của nhóm nhạc Infinite, được phát tán nhưng không dẫn đến phản ánh dữ dội của khán giả.
Công chúng cho rằng đó chỉ là những hành động vô thức của các nam idol, trong khi đối với nhóm nhạc nữ Lovelyz, mấu chốt khiến họ bị chỉ trích cũng là những lời vạ miệng tương tự.
Way không còn tham gia vào ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Thế nhưng, khi nhớ lại khoảng thời gian còn là một nữ thần tượng, cô luôn cảm thấy ám ảnh vì phải đáp ứng theo những kỳ vọng mà khán giả đặt ra.
“Công ty quản lý buộc chúng tôi phải cư xử giống một idol nữ. Tôi phải học cách nói chuyện dễ thương với tông điệu cao, bởi vì khán giả thường không thích những cô gái nói chuyện thẳng thừng với tông giọng trầm”, cô chia sẻ.
Kim Sujeong, giáo sư khoa học truyền thông tại Đại học Quốc gia Chungnam, cho biết: “Công chúng đối xử với những nghệ sĩ nữ có phần khắc nghiệt hơn vì vốn dĩ đây là thái độ tồn tại nhiều đời tại xã hội Hàn Quốc - thái độ trọng nam khinh nữ”.
“Nhiều người đòi hỏi các nữ idol phải là những người tốt bụng, trưởng thành và có những chuẩn mực nhất định. Chính vì thế, họ dễ bị chỉ trích nếu không phù hợp với những tiêu chuẩn mà số đông đưa ra”, ông chia sẻ.
Không được phạm sai lầm dù chỉ một lần
Năm 2016, Tiffany Young, thành viên của nhóm nhạc nữ Girls’ Generation (SNSD), nhận phải nhiều lời chỉ trích gay gắt khi cô đăng tải lên Instagram hình ảnh lá cờ mặt trời mọc - lá cờ thời chiến của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, khiến nhiều người Hàn Quốc liên tưởng đến ký ức bạo lực.
Mặc dù Tiffany đã lên tiếng xin lỗi ngay sau khi bức ảnh được đăng tải, những chỉ trích của khán giả vẫn không lắng xuống và buộc cô phải rời khỏi chương trình thực tế Sister’s Slam Dunk mà cô đang tham gia.
Bài đăng được đăng tải vào ngày Độc lập Hàn Quốc khiến phản ứng của công chúng càng dữ dội hơn.
Một số người cho rằng những lời chỉ trích dành cho Tiffany là quá khích, nhất là khi nữ idol đã nỗ lực sửa chữa sai lầm lập tức.
Oh Ji-eun, một nhạc sĩ, ca sĩ Hàn Quốc, đã phản ứng trước quyết định của Sister’s Slam Dunk trong việc loại bỏ Tiffany khỏi chương trình. Cô cho rằng việc Tiffany phạm sai lầm cũng tương tự như điều mà mọi người khác đều từng mắc phải khi còn trẻ.
Mặc cho mọi nỗ lực sửa chữa sai lầm, Tiffany vẫn không được nhận được sự cảm thông từ khán giả. |
Đồng thời, Ji-eun cũng đề cập đến sự cố trong chương trình thực tế ở Hàn có sự tham gia của Seolhyun và Jimin của nhóm nhạc nữ AOA.
Cụ thể, hai nữ idol đã không nhận ra bức chân dung của An Jung-geun, một nhà hoạt động nổi tiếng của Hàn Quốc dưới thời cai trị của Nhật Bản.
Nhiều nhà phê bình và cộng đồng mạng đã nổi giận về sự thiếu hiểu biết của hai nữ thần tượng mặc dù họ đã nỗ lực xin lỗi.
Tuy nhiên, đối với sai lầm tương tự của P.O đến từ nhóm nhạc nam Block B, cư dân mạng hầu như không đá động gì đến thiếu sót của anh.
Một số khán giả cho rằng những chỉ trích không đến từ sự thiếu kiến thức lịch sử của các nữ idol mà chính vì giới tính của họ.
Mất tự do vì không được là chính mình
Chủ nghĩa nữ quyền ngày càng tệ hơn ở Hàn Quốc vì phụ nữ luôn phải nhận lấy mọi hậu quả khi họ muốn thể hiện quan điểm của mình.
Năm 2016, nữ diễn viên lồng tiếng Kim Jayeon bị công ty game Nexon sa thải sau khi đăng tải bức ảnh cô mặc áo thu có dòng chữ “Girls do not need a prince” (Mỗi cô gái không cần hoàng tử cho riêng mình - tạm dịch).
Chiếc áo được sản xuất bởi nhóm nữ quyền Megalia4, một cộng đồng trực tuyến mà nhiều game thủ ví như nhóm người chống lại đàn ông.
Park Ye-eun, được biết đến với nghệ danh Yenny, thành viên của nhóm nhạc nữ Wonder Girls, từng khiến khán giả phẫn nộ sau khi đăng tải bài phê bình về bộ phim Kim Ji Young: Born 1982, một bộ phim phản ánh về nạn bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc.
Một người nổi tiếng khác, nữ idol Irene của Red Velvet, cũng từng bị tấn công sau khi chia sẻ rằng cô cũng từng đọc quyển sách cùng tên.
Son Na-eun, thành viên của nhóm nhạc nữ Apink, bị sa thải khi cô đăng tải hình ảnh với chiếc ốp lưng điện thoại với slogan “Girls can do anything” (Phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì - tạm dịch).
“Những idol nữ muốn khẳng định sự nữ quyền tại xã hội Hàn Quốc đều nhận phải những phản ứng gay gắt vì thái độ khác biệt với số đông”, Kim nói.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc nhận phải chỉ trích gay gắt chỉ vì muốn khẳng định nữ quyền. |
Way, hiện làm công việc sáng tạo nội dung cho kênh YouTube Wayland của mình, nói rằng nhiều bạn bè của cô cũng là cựu thần tượng Kpop đang hạnh phúc trên con đường mới vì họ không phải sống theo những kỳ vọng khắc nghiệt của công chúng.
“Có nhiều tiêu chuẩn hạn chế khắc nghiệt hơn đối với các thần tượng nữ hơn những thần tượng nam. Điều này hoàn toàn không công bằng.
Nhiều người cho rằng xã hội Hàn Quốc đã thay đổi và tiến bộ hơn, tuy nhiên, phụ nữ chúng tôi vẫn còn phải đấu tranh nhiều”, Way nói.