1. Tự giác làm việc nhà: Dạy trẻ làm việc nhà không phải để các em thay người lớn làm hết việc, mà là để trẻ học kỹ năng sắp xếp, xử lý thông qua những nhiệm vụ đơn giản trong nhà. Theo khảo sát của China Education News, 86,9% học sinh tiểu học biết làm việc nhà có học lực tốt, khả năng tự chăm sóc bản thân cao hơn bạn bè cùng tuổi. Một nghiên cứu khác của học giả Đại học Harvard, Mỹ, cũng cho thấy những đứa trẻ biết làm việc nhà từ sớm có khả năng thành công cao hơn. Các em có xu hướng độc lập, tự biết chăm sóc bản thân và có trách nhiệm với những tình huống xung quanh. Ảnh: Tasteful Space. |
2. Biết tuân thủ quy tắc, luật lệ: Trẻ cư xử đúng mực nơi công cộng là sự phản ánh rõ nhất về cách giáo dục của cha mẹ. Trẻ tôn trọng luật lệ, cư xử phải phép luôn được lòng người xung quanh. Ngược lại, những đứa trẻ bạo lực, không phép tắc, thiếu tôn trọng người khác, luôn bị đánh giá thấp và không được coi trọng. Khi trẻ lên 3, cha mẹ nên dạy con học cách chú ý lời nói và hành động ở nơi công cộng. Ví dụ, trẻ không nên vứt rác bừa bãi, gây ồn ào, làm phiền người khác. Những hành động nhỏ sẽ tạo thành thói quen tốt, giúp trẻ xây dựng hình ảnh tốt đẹp, đúng mực trong tương lai. Ảnh: Public Discourse. |
3. Có thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ: Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng của trẻ nhỏ. Qua đó, các em dễ bị suy giảm trí nhớ, căng thẳng, mất tập trung. Một khảo sát ở Mỹ với trẻ em từ 1-8 tuổi cho thấy 45,9% trẻ ngủ không đủ giấc bị suy giảm miễn dịch và thường xuyên bị cảm lạnh, 40,5% trong số đó có nguy cơ suy nhược thần kinh hoặc trầm cảm, 36,5% dễ mắc bệnh béo phì. Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford, Anh, cho hay những trẻ ngủ sớm có ít nguy cơ mắc chứng rối loạn giảm chú ý hơn trẻ ngủ muộn. Nhà tâm lý học Mỹ Arnold Mindell khuyên trẻ dưới 8 tuổi cần ngủ đủ 10 tiếng mỗi ngày. Ảnh: ParentMap. |
4. Thích vận động: Theo Sohu, kết quả nghiên cứu phát triển thể chất trẻ vị thành niên năm 2016 cho thấy hơn 50% bé 3-4 tuổi ở Thâm Quyến, Trung Quốc, có tỷ lệ mỡ máu cao, chức năng tim mạch kém. Ngoài ra, 65% em có tính linh hoạt kém, hơn 73% trong số đó không có khả năng giữ thăng bằng tốt. Điều này cho thấy nhiều trẻ không thường xuyên vận động, tập thể thao. Cha mẹ cần hình thành thói quen vận động, luyện tập cho trẻ từ sớm, không nên để con xem tivi, dùng điện thoại quá lâu. Thay vào đó, người lớn có thể cho trẻ chạy bộ, đi dạo và tập các môn thể thao nhẹ nhàng. Ảnh: Vertimax. |
5. Thích học, đọc sách: Trước 8 tuổi là thời điểm vàng để trau dồi thói quen học, đọc sách cho con. Những kiến thức thú vị trong sách sẽ tác động tích cực đến tính cách, quan niệm sống của trẻ. Thay vì để con chơi điện thoại, xem tivi lúc rảnh rỗi, cha mẹ nên cùng con đọc sách để hình thành thói quen ngay từ khi còn bé. "Tuổi thơ thiếu đi những cuốn sách sẽ giống như bị mất đi tài sản đáng quý nhất, không có gì bù đắp được", nhà biên kịch người Nga Vladimirovich Mikhalkov khẳng định. Ảnh: Oxford Learning. |
6. Biết nhận lỗi, chịu trách nhiệm: Biết chịu trách nhiệm là cơ sở cho trẻ tự lập và biết cách đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Người lớn cần giúp trẻ hình thành thói quen biết nhận lỗi, chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Đặc biệt, cha mẹ không nên bao che những việc làm của con, thay vào đó cần thẳng thắn chỉ ra những lỗi trẻ đã mắc phải và yêu cầu trẻ nhận sai, sửa chữa. Ảnh: Sohu. |