Ngày 26/5, phượng vĩ ở trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM, bật gốc, đổ xuống khiến một học sinh tử vong, 17 em khác bị thương.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các sở GD&ĐT trong toàn quốc chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn để kiểm tra, kiểm kê, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Cây phượng trong trường THCS Bạch Đằng đổ, gây ra vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
Cùng ngày, Sở GD&ĐT TP.HCM ra thông báo khẩn việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường.
Trong đó, sở đề nghị các trường kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh.
Ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức), cho biết dù hầu hết trường trên địa bàn đã hoàn thành việc cắt, tỉa cây, nhưng theo chỉ đạo của sở, các trường đang rà soát lại.
Bà Trương Thị Lệ Hà, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP.HCM), cũng cho biết trường đã cắt tỉa xong các cây. Sáng 27/5, nhân viên công ty cây xanh cùng Sở Xây dựng TP.HCM xuống trường, kiểm tra lại, kết luận trường cần đốn hạ 6-7 cây không đạt chuẩn.
Ngày 27/5, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi văn bản gửi các phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, trường học trực thuộc sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn trong trường học.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong mùa mưa bão, sở yêu cầu các trường chủ động liên hệ cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trong trường.
Những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt cần được xử lý ngay. Những cây lâu năm cần cắt tỉa cành, cắt bỏ những nhánh mục, hư hỏng, tránh tình trạng cây gãy đổ có thể gây tai nạn cho học sinh, giáo viên, nhân viên.
Tại Đắk Lắk, sáng 28/5, cây phượng đường kính hơn 1 m, cao 12 m bật gốc đổ trong sân trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên
Rất may, thời điểm cây phượng ngã, học sinh chưa đến lớp nên không gây thiệt hại về người.
Sau đó, sở GD&ĐT tỉnh này ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, học viên.
Sở đề nghị lãnh đạo các trường phối hợp đơn vị quản lý môi trường đô thị kiểm tra, rà soát toàn bộ cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên đơn vị, trường học có thể gây nguy hiểm, gãy, đổ để thực hiện cắt tỉa và gia cố cọc chống chưa đảm bảo đối với cây bóng mát mới trồng.
Các trường cần chủ động xây dựng phương án ứng phó tình huống cây xanh gãy, đổ, tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về các biện pháp an toàn trong mùa mưa lũ.