Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vào hôm 4/6 đã công bố quyết định cắt giảm sản lượng dầu của nước này sau cuộc họp của nhóm OPEC+. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, quyết định của Riyadh được đưa ra sau cuộc họp vào hôm 3/6 giữa 13 thành viên của tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - do Saudi Arabia chủ trì - và 10 quốc gia đối tác do Nga dẫn đầu.
Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, khẳng định quá trình cắt giảm sản lượng sẽ có hiệu lực trong tháng 7 nhưng "có thể được gia hạn" nếu cần thiết.
Quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia là một hành động tự nguyện, được đưa ra sau cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ với các thành viên của nhóm OPEC+ tại thủ đô Vienna của Áo.
Theo Bloomberg, hành động vào hôm 4/6 sẽ khiến công suất khai thác dầu mỏ của quốc gia Vùng vịnh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Nước đi táo bạo của quốc gia lãnh đạo liên minh OPEC+ được đánh đổi bằng những nhượng bộ cho 2 thành viên quan trọng khác là Nga và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo đó, Nga đã không đưa ra cam kết cắt giảm sản lượng trong thời gian tới, trong khi UAE đã đảm bảo được hạn ngạch khai thác dầu mỏ lớn hơn trong năm 2024.
Hoàng tử Bin Salman khẳng định "sẽ làm mọi thứ cần thiết để đem lại sự ổn định cho thị trường năng lượng" trong bối cảnh giá dầu phải chịu áp lực lớn từ những dự báo kinh tế không tích cực tại nhiều quốc gia, tiêu biểu là Trung Quốc.
Các quốc gia còn lại của OPEC+ đã không có bất kỳ hành động nào để thúc đẩy giá dầu, dù đưa ra cam kết sẽ duy trì sản lượng hiện tại cho tới cuối năm 2024.
Vào tháng 4, nhiều quốc gia của nhóm OPEC+ đã thống nhất tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức hơn một triệu thùng/ngày - một hành động bất ngờ nhằm đẩy mạnh giá dầu nhưng đã không thể đem lại tác động lâu dài.
Cũng tại cuộc họp ở Vienna ngày 4/6, các nước OPEC+ đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác ở mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024.
“Các nước tham gia đã quyết định… điều chỉnh tổng sản lượng dầu thô chung của OPEC và các nước đối tác ngoài OPEC (trong Tuyên bố Hợp tác) xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 1/1/2024 cho đến ngày 31/12/2024”, tuyên bố chung sau cuộc họp nêu rõ.
Theo các cam kết sửa đổi do OPEC công bố sau cuộc họp, Saudi Arabia sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức 10,478 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ cắt giảm sản lượng hàng ngày thêm 650.000 thùng xuống còn 9,828 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2024.
Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.