Trong thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài, ai cũng có nguy cơ bị say nắng. Đặc biệt, tình trạng này rất dễ xảy ra khi chúng ta tiếp xúc môi trường nắng nóng trên một giờ trong điều kiện nhiệt độ cao, khoảng 40 độ C.
Những người làm việc trong môi trường nắng nóng quá lâu mà không có đồ bảo vệ như mũ, quần áo dài chống nắng sẽ làm tăng lượng tia UV chiếu thẳng vào cơ thể.
BSCKII Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo say nắng dẫn đến sốt nhiệt là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Lý do là cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt.
Các biểu hiện sớm nhất có thể dễ dàng nhận thấy khi bị say nắng là mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, da mặt đỏ gay. Nặng hơn, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái khó thở, huyết áp tụt và ngất lịm. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ ảnh hưởng não, suy thận, thậm chí tử vong.
Theo các bác sĩ, tùy thời gian tiếp xúc nhiệt độ môi trường, mức độ công việc, các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo mức độ từ nhẹ đến nặng.
Những người tiếp xúc thời gian dài dưới ánh nắng có nguy cơ cảm nắng cao. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cách xử trí nhanh nhất khi bị say nắng
Theo bác sĩ, khi có người bị say nắng, bạn có thể tiến hành sơ cứu ban đầu, trong lúc chờ nhân viên y tế hỗ trợ.
Đưa người bệnh vào nơi thoáng mát: Nếu nghi ngờ nạn nhân say nắng, bạn cần đưa ngay họ vào chỗ mát, nơi thoáng khí và cởi bỏ quần áo không cần thiết.
Làm mát cơ thể: Dùng khăn ướt đắp vào cổ, nách, bẹn, lưng nạn nhân và những chổ có nhiều mạch máu để hạ thân nhiệt. Làm giảm nhiệt cho nạn nhân bằng cách dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể.
Theo dõi tình trạng nạn nhân: Theo dõi liên tục ý thức, tri giác, hô hấp của nạn nhân. Nếu nạn nhân rơi vào tình trạng nặng, trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế, hãy cho người say nắng uống nước và thường xuyên chườm mát.
Phòng tránh bị say nắng thế nào?
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc ánh nắng Mặt Trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, chúng ta nên có biện pháp bảo vệ.
Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón, mũ rộng vành. Tốt nhất nên chọn quần áo được may bằng chất liệt cotton, màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt vào bên trọng cơ thể. Thoa kem chống nắng để hạn chế tác động của ánh nắng và tia UV làm hại da.
Hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, bạn nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ sau một tiếng làm việc, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
Chủ động uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Chúng ta nên uống các loại nước vừa cung cấp nước và muối khoáng như dung dịch nước điện giải, nước chanh pha muối, đường và nước dừa.
Không tắm ngay sau khi đi dưới nắng vì sẽ dẫn đến thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ngoài ra, không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe.