Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ bỏ cộng điểm thi vào lớp 10

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD&ĐT mới công bố, việc cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 sẽ bị bãi bỏ.

Lâu nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 bằng công thức như sau: Điểm xét tuyển bằng điểm học bạ THCS quy đổi cộng điểm thi (tính hệ số 2) và điểm cộng thêm. Trong đó, điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên và khuyến khích được cộng trong các kỳ thi, tổng số điểm không quá 6.

Hà Nội vẫn cộng điểm nghề

Ngoài các đối tượng như con anh hùng lực lượng vũ trang, con liệt sĩ, thương binh..., thí sinh được cộng từ 0,5 đến 2 điểm từ các cuộc thi nghề, thi học sinh giỏi, các kỳ thi olympic, viết thư quốc tế, giải toán trên  máy tính cầm tay. Thậm chí, các cuộc thi liên quan văn nghệ, thể thao... cũng được tính điểm cộng.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung về tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD&ĐT đã cho lấy ý kiến cơ sở về việc không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp. Thời gian tới, học sinh thi vào lớp 10 có thể không được cộng bất kỳ điểm ưu tiên nào từ các cuộc thi trước đó.

bo cong diem thi vao lop 10 anh 1
Thí sinh tại một kỳ thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết quy định bỏ điểm cộng thêm cho học sinh thi vào lớp 10 mới chỉ là dự thảo, xin ý kiến cơ sở. Do đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, vẫn giữ nguyên quy định cũ. Học sinh vẫn được cộng điểm ưu tiên từ các kỳ thi học sinh giỏi, thi nghề.

“Những học sinh tham gia các cuộc thi, kỳ thi và giành kết quả trước khi Sở GD&ĐT Hà Nội ra thông báo xóa bỏ các cuộc thi thì kết quả vẫn được bảo lưu và cộng điểm bình thường”, ông Chất nói.

Cũng theo ông Chất, thực hiện chỉ đạo tinh giản các cuộc thi dành cho học sinh THPT, năm 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ra văn bản thông báo giảm bớt nhiều cuộc thi xuống chỉ còn 6 cuộc.

Như vậy, từ  năm 2018, các cuộc thi như giải Toán trên mạng, giải Toán trên máy tính cầm tay, Olympic tiếng Anh được giao xuống cấp Phòng tổ chức và không tính điểm cộng ưu tiên. Ngoài ra, các cuộc thi khác về thể dục, thể thao, mỹ thuật, olympic dành cho học sinh tiểu học, THCS đều được xóa bỏ.

Bỏ điểm cộng là cần thiết

Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - ông Nguyễn Quốc Bình - cho rằng: “Những cái mà không hữu ích trong cuộc sống và tác động trong hoạt động giáo dục, gây rắc rối, phiền hà trong công tác tuyển sinh thì không nên giữ”.

Ông Bình cho rằng nếu học sinh có năng khiếu về thể dục, thể thao thì nên đánh giá riêng về các trường nghệ thuật, không nên ưu tiên trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Cũng có thể vì cộng điểm nên các cuộc thi dần dần đã không thực chất, chạy theo thành tích.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng việc bỏ các điểm cộng ưu tiên là cần thiết, tạo sự công bằng, khách quan cho học sinh. Vì lâu nay, nhiều cuộc thi, vô hình tạo cho học sinh sức ép lớn.

Duy chỉ có vấn đề bỏ điểm cộng học nghề, bà Nga bày tỏ sự băn khoăn vì nếu không cộng điểm, học sinh sẽ không học nghề.

“Tuy nhiên, cơ sở vật chất trung tâm đào tạo nghề thiếu thốn, nghèo nàn. Vì vậy, khi bỏ điểm cộng nghề, các trung tâm đào tạo nghề phải có khu vực thực hành và dạy những nghề sát nhu cầu xã hội thì may ra mới có học sinh theo học”, bà Nga nói.

Hiệu trưởng một trường THCS khác tại Hà Nội cũng cho rằng việc học nghề lâu nay không hiệu quả nhưng vì sao trường nào cũng 100% học sinh đăng ký học nghề?

“Là vì, học sinh thấy lấy được 1,5 điểm học nghề dễ hơn rất nhiều so với ôn luyện Văn, Toán để thi. Các trường tuyển sinh chênh nhau 0,5 điểm đã là khó khăn rồi. Tại sao vẫn duy trì việc biết là không hiệu quả?”, vị này nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho rằng việc không cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển đầu cấp nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương để lấy điểm, lấy giải làm điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp.

Việc bỏ cộng điểm nghề cũng nhằm đưa dạy nghề về đúng mục đích là giúp học sinh tiếp cận các nghề các em có sở trường để góp phần phân luồng, hướng nghiệp.

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM mở ngành Khoa học chế biến món ăn

Năm 2018, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có một ngành mới là Khoa học chế biến món ăn. Tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 3.500.


https://www.tienphong.vn/giao-duc/se-bo-cong-diem-thi-vao-lop-10-1229316.tpo

Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm