Sau hơn một tháng ngành giáo dục triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 1, nhiều phụ huynh phản ứng khi phát hiện các mẩu truyện tập đọc không rõ tính giáo dục, cách dùng từ khác lạ, nhiều phương ngữ trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều.
Trao đổi với Zing sáng 12/10, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt, bộ Cánh Diều, đồng thời cũng là Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cho biết ông và những người làm chương trình, sách giáo khoa luôn lắng nghe ý kiến của giáo viên, phụ huynh và xã hội.
"Đưa một sản phẩm ra ngoài thị trường, nếu người dùng thấy có những điểm chưa hợp lý, mình phải xem xét điều chỉnh, nếu đúng. Kể cả là người đi đường, họ thấy vấn đề, góp ý, mình cũng nên lắng nghe", GS Thuyết nói.
Theo ông, việc điều chỉnh sản phẩm sau một thời gian sử dụng là bình thường. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp.
“Không riêng gì sách giáo khoa, kể cả chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp vẫn phải điều chỉnh", Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nêu quan điểm.
GS Thuyết cho hay tuần tới, các tác giả sách Tiếng Việt, bộ Cánh diều sẽ họp bàn với tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản về nội dung chỉnh sửa cụ thể.
Một mẩu truyện trong sách Tiếng Việt, bộ Cánh diều được nhiều người cho là không rõ tính giáo dục. |
Ông Thuyết nói thêm trước các phản ứng của một số người dùng mạng, ông hy vọng mọi người bình tâm, đọc kỹ, hiểu công việc dạy học sinh lớp 1 trước khi đánh giá.
“Tôi tin nếu phụ huynh chờ đợi, không lâu đâu, mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách. Việc xem xét điều chỉnh là cần thiết nhưng không thể đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe được”, ông nói.
Tổng chủ biên sách cho rằng cần qua một vài lớp mới đưa ra đánh giá về sách giáo khoa mới được. Đặc biệt, lứa học sinh lớp 1 năm nay từng nghỉ học 4 tháng liền do dịch nên chưa được dạy kỹ về nhận mặt chữ cái, chữ số ở mẫu giáo.
Ngoài ra, năm học này, học sinh đến trường và học ngay sau khai giảng, không có một tuần tựu trường trước để thầy cô rèn nề nếp, hướng dẫn học sinh cầm bút, viết những nét cơ bản nên gặp khó khăn khi dạy.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói thêm cách đây 18 năm, khi bắt đầu thực hiện Chương trình tiểu học năm 2002, sách Tiếng Việt lớp 1 cũng bị chỉ trích rất ồn ào. Thậm chí, không ít ý kiến đòi đình chỉ dạy sách đó. Nhưng sau gần 20 năm, nhiều giáo viên lại nhận xét sách đó dễ dạy, nhẹ nhàng.