Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2015 – 2016.
“Cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ là một việc lớn, cần phải bàn thảo cụ thể với từng chủ thể liên quan như các cơ quan chủ quản, các địa phương, các nhà đầu tư đối với khối tư thục và các trường, trước hết là các trường khó tuyển sinh trong mấy năm gần đây”.
Ảnh Lê Anh Dũng. |
Nội dung của việc cấu trúc lại hệ thống đã được phác thảo như: Thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; Chuyển đổi các trường đại học dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật Giáo dục Đại học; Hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập…
Trong bối cảnh có một số trường ĐH, CĐ, Trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, bà Phụng cho biết Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các địa phương và cơ sở đào tạo để bàn về các vấn đề: chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng.
“Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy có một số cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, điều này gây lãng phí nguồn lực đầu tư nên cần tính toán các giải pháp khắc phục có hiệu quả”. Bà Phụng khẳng định, khi thực hiện cấu trúc lại hệ thống, cả trường công và trường tư sẽ đều nằm trong “tầm ngắm”. Việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược đào tạo của các bộ, ngành và địa phương; phụ thuộc vào kế hoạch phát triển trường của các nhà đầu tư (đối với các trường ngoài công lập). Bộ sẽ làm việc cụ thể với các cơ quan trực tiếp quản lý các trường để có giải pháp phù hợp.
“Việc cấu trúc lại sẽ tác động tới cả trường công lẫn trường tư nhưng nên theo những hướng khác nhau: Cần thu hẹp khối trường công, nhất là các trường chưa đảm bảo chất lượng, người học không lựa chọn..
Đồng thời, cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp, lắng nghe ý kiến, bàn thảo… với các trường tư để hỗ trợ các trường tư duy trì, phát triển được để thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục đào tạo. Việc đình chỉ hoạt động, giải thể các trường tư chỉ thực hiện khi có vi phạm đến mức phải đình chỉ hoạt động, giải thể theo quy định của pháp luật. Còn việc sáp nhập, chia, tách, chuyển nhượng, giải thể khác đối với các trường tư phải do chính các nhà đầu tư quyết định”.