Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho biết, ông bất ngờ khi nhận thông tin vụ việc thầy giáo áp dụng hình phạt đổ nước vào miệng học sinh.
"Nếu kết quả thanh tra cho thấy thầy giáo phạt học sinh bằng cách đổ nước vào miệng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Minh nói.
Trường THCS Cát Tài, nơi xảy ra vụ việc thầy giáo Đề phạt học sinh bằng cách đổ nước vào miệng. Ảnh: T.L. |
Trước đó, theo tường trình của trường THCS Cát Tài, cuối tháng 10/2015, trong tiết sinh hoạt chiều thứ bảy, thầy Đề mở sổ đầu bài, biết lớp mình chủ nhiệm bị Sao đỏ trừ 2 điểm thi đua do lỗi của Lưu Thế Phong gây ra.
Nam sinh này thừa nhận, các bạn cùng lớp đùa giỡn ồn ào đã la lớn “Tụi bay im đi, Sao đỏ đến kìa” nên bị phát hiện, trừ điểm thi đua. Thầy Đề cho rằng, việc nhắc nhở lớp không phải trách nhiệm của Phong nên yêu cầu nam sinh lên nằm ngửa trên bục giảng. Lúc đầu, thầy giáo gọi một học sinh lấy nước chai nhỏ đổ vào miệng Phong. Sau đó, ông bưng bình nước uống lớn mở vòi đổ vào miệng đến khi nam sinh ho sặc sụa mới ngừng tay.
Thầy giáo này còn tát 9 cái vào mặt học sinh vì tội mở sổ đầu bài xem và đi ra ngoài khi trống đánh vào lớp. Em Nguyễn Thanh Phong bị đánh bằng thước vì ngồi sai sơ đồ lớp. Nguyễn Lê Gia Bảo bị thầy dùng thước đánh vào đầu vì gặng hỏi số tiền thối lại của thầy còn thiếu 10.000 đồng.
Sau khi xảy ra vụ việc, trường THCS Cát Tài lập tổ công tác kiểm tra, xác minh; đồng thời, tiến hành kiểm điểm hành vi của thầy Đề. Lãnh đạo trường này khẳng định, việc thầy giáo đổ nước vào miệng, đánh học sinh là hoàn toàn sai trái, dễ gây hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng kỷ luật trường THCS Cát Tài cũng đã họp, đề nghị hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Đề.
Tuy nhiên tháng 12/2015, Phòng GD&ĐT Phù Cát quyết định thi hành kỷ luật viên chức đối với thầy Đề, chỉ dừng ở hình thức cảnh cáo.
Quyết định kỷ luật thầy Đề của Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát. Ảnh: T.L. |
Ông Đặng Hữu Lộc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Cát cho biết thêm, việc làm của thầy Đề trái với quy định và phương pháp giáo dục; quy phạm đạo đức nghề giáo và xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học sinh. Tuy nhiên, thầy Đề vi phạm lần đầu nên không thể buộc thôi việc đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.
"Chúng tôi đang xem xét hướng giải quyết kỷ luật cảnh cáo cho chuyển đơn vị công tác hoặc chuyển sang nhân viên không làm công tác giảng dạy”, ông Lộc cho hay.
Ông Lưu Thế Trọng (cha của em Phong) xót xa, dù cháu có vi phạm như thế nào thì thầy cũng không nên hành xử như vậy. Thầy Đề có đến hỏi thăm xin lỗi nhưng gia đình không thể chấp nhận. "Nếu con tôi không may sặc nước vào phổi, nguy hiểm đến tính mạng, thì liệu thầy có bù đắp nổi không”, ông Trọng bức xúc nói.
“Tôi không hiểu nổi thầy giáo đứng trên bục giảng mà lại có cách xử phạt học sinh lạ lùng, thô bạo như thầy Đề. Cách xử phạt này phản giáo dục, dạy dỗ học sinh như vậy chẳng khác nào tra tấn", ông Nguyễn Anh (ngụ xã Cát Tài), phụ huynh học sinh, nói.