Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp công ty Trung Quốc: 'Làm việc thứ 7 không phải là bóc lột'

Một lãnh đạo cấp cao công ty Trung Quốc lại dấy lên cuộc tranh luận về văn hóa làm thêm giờ ở nước này trong bối cảnh nhiều người trẻ tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.

Văn hóa làm thêm giờ vẫn phổ biến ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc.

Gao Xinhua, phó chủ tịch điều hành công ty sản xuất ôtô Chery Automobile, viết trong email gửi nội bộ công ty rằng "thứ 7 nên là ngày làm việc bình thường" và bộ phận pháp lý của công ty nên "nghĩ về việc làm thế nào để tránh rủi ro pháp lý" liên quan đến nó. Ảnh chụp lại nội dung email này lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc hôm 7/3.

Ngày hôm sau, một đoạn ghi âm được cho là của Gao cũng được chia sẻ trên mạng. Trong đó, Gao biện minh cho các bình luận của mình, theo Sixth Tone.

Gao thừa nhận với truyền thông đã gửi email gây tranh cãi, đồng thời nói thêm rằng làm việc vào thứ 7 "không phải là bóc lột".

Văn hóa làm việc quá sức, đặc biệt trong ngành công nghệ ở quốc gia tỷ dân, đã trở thành vấn đề gây chú ý những năm gần đây sau nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, kiểu làm việc này vẫn phổ biến, dù Tòa án Tối cao và Bộ Tài nguyên Nhân sự Trung Quốc năm 2021 đã tuyên bố văn hóa làm việc "9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần" (996) là bất hợp pháp, xâm phạm quyền lợi của người lao động.

Theo một cuộc khảo sát năm 2022 do nền tảng tuyển dụng 51Job công bố, hơn 90% người được hỏi cho biết phải làm thêm giờ, trung bình khoảng 60% phải làm thêm hơn 1 tiếng mỗi ngày.

Điều này vượt quá thời gian được quy định trong luật lao động của Trung Quốc. Theo đó, thời gian làm thêm giờ không được vượt quá 1 tiếng mỗi ngày hoặc 3 tiếng/ngày trong trường hợp đặc biệt.

Chấp nhận lương thấp để cân bằng cuộc sống

Trong các cuộc họp diễn ra trong năm nay tại Trung Quốc, Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng và là thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), cũng đã đề xuất một hệ thống làm việc toàn diện và khả thi. Bà kêu gọi ban hành một quy định nhằm đảm bảo một ngày làm việc 8 tiếng, điều vốn đã có trong luật lao động nhưng bị một số công ty thực thi lỏng lẻo.

"Con người không phải máy móc. Làm việc chăm chỉ và ngủ ngon hơn sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn", bà phát biểu.

van hoa lam them gio anh 1

Quan điểm của lãnh đạo công ty Chery Automobile gây tranh luận. Ảnh: VCG.

Điều kiện làm việc khắc nghiệt cũng đang khiến nhiều người trẻ Trung Quốc quay lưng lại với các công việc và công ty khuyến khích văn hóa làm thêm giờ.

Một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 6/2022 cho thấy nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ chấp nhận một mức lương thấp hơn nhưng có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn. Nhiều nhà tuyển dụng cũng xác nhận nhiều nhân viên gần đây có xu hướng ưu tiên khối lượng công việc nhỏ hơn khi tìm việc.

Nhiều nhân viên đã từ bỏ công việc lương cao cũng đang chia sẻ cảm xúc bản thân trên mạng xã hội. Một số cho biết đã rời bỏ công việc trong ngành công nghệ để thành người chăm sóc thú cưng, nhân viên bốc dỡ, bán đồ ăn nhanh hay nhân viên thu ngân.

Chen (25 tuổi) là một trong số đó. Sau 2 năm làm việc cho một công ty truyền thông, anh nghỉ việc ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam vào tháng 6/2022 và bắt đầu cuộc sống "nằm thẳng" (làm việc càng ít càng tốt) tại quê hương Trùng Khánh.

van hoa lam them gio anh 2

Nhiều người trẻ Trung Quốc quay lưng với văn hóa làm thêm giờ để cân bằng cuộc sống. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

"Khi tôi còn ở công ty đó, nhiều người ghen tỵ với tôi. Tôi là tấm gương cho các học sinh nhỏ tuổi noi theo. Tôi đã từ bỏ thời gian nghỉ ngơi của mình cho những kỳ vọng vô nghĩa đó".

Giống Chery Automobile, Chen cho biết công ty cũ của anh thường yêu cầu nhân viên làm thêm giờ và anh coi việc bắt chuyến tàu điện ngầm cuối cùng, về nhà vào khoảng 23h là một thành tích. Giờ đây, dù thất nghiệp, Chen cho biết cuộc sống của anh thoải mái hơn và không ngại trở thành tài xế giao hàng.

"Ý nghĩa của cuộc sống là gì khi bạn nhìn chằm chằm không ngừng vào màn hình máy tính và các tài liệu không liên quan gì đến cuộc sống của chính bạn? Tôi có thể quên đi những sự kiện quan trọng của cá nhân nhưng không thể quên ngày ra mắt dự án. Để lấp đầy sự trống rỗng bên trong, tôi liên tục ăn. Tôi đã ăn nhiều đến nỗi cuối cùng mắc chứng cuồng ăn. Sau đó, tôi nói với bản thân: 'Này, bạn xứng đáng có một kỳ nghỉ'".

Không làm việc chăm chỉ vào thứ hai

Để giảm bớt sự sợ hãi và áp lực khi trở lại làm việc, Marisa Jo Mayes không còn ép bản thân phải làm quá nhiều thứ, ưu tiên tập trung vào những điều yêu thích trong ngày đầu tuần.

Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách

Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. "Thậm chí ông ấy còn rất vui mừng khi biết tôi đã tìm được con đường của mình và dốc sức vì nó", Trung cho biết. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...

Mai An

Bạn có thể quan tâm