Honda là thương hiệu xe hơi có lịch sử lâu đời, nhưng dần đánh mất chính mình trong những năm trở lại đây. Thất bại không hiện diện ở Accord, cũng không phải CR-V khi đây đều là những sản phẩm có doanh số tăng trưởng tốt.
Từ lâu, khách hàng đã quá quen với thành công lặp đi lặp lại hàng thập kỷ của Honda, với những sản phẩm tốt ở phân khúc bình dân. Tuy nhiên, khi bước sang thiên niên kỷ mới, hãng xe Nhật đã liên tiếp mắc sai lầm. Thất bại của Civic thế hệ thứ 9 là ví dụ điển hình. Honda hiểu rõ sự suy yếu và quyết định tìm lại ánh hào quang.
Takahiro Hachigo - Giám đốc điều hành của Honda. |
"Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã đánh mất tầm nhìn - thứ tạo nên Honda như ngày nay", Takahiro Hachigo - Giám đốc điều hành của Honda nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Takahiro Hachigo làm việc ở vị trí kỹ sư cho Honda từ 1982. Ông đã chứng kiến Honda quay trở lại giải đua F1 và giành 6 chiến thắng ở hạng mục các nhà cung cấp động cơ. Nhưng hiện thời, hãng xe Nhật đang gặp rắc rối với đội đua McLaren F1 - một đối tác lâu năm. McLaren F1 không có bất cứ chiến thắng nào ở mùa giải hiện tại, và đội đua đang tính đến phương án ngừng sử dụng động cơ do Honda sản xuất.
Nhậm chức CEO từ năm 2015, giờ đây, Hachigo muốn vực dậy Honda bằng cách thay đổi văn hóa làm việc, tập trung nhiều hơn vào phát triển đổi mới, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thay vì chọn phương án cắt giảm chi phí vốn an toàn. Ông đã tuyển dụng một số kỹ sư, nhà quản lý và nhà hoạch định sản phẩm để chia sẻ tầm nhìn và giúp ông thực hiện điều đó.
Chiến lược trước đây khiến Honda trở thành nạn nhân của nền văn hóa "monozukuri" của Nhật Bản, được hiểu theo nghĩa đen là "tạo ra mọi thứ". Họ quá quan tâm đến lợi ích đầu ra và hiệu quả sản xuất nhằm đảm bảo tài chính của công ty. Nhưng Hachigo và cộng sự đã quên một sai lầm trong quá khứ, thời điểm các nhà điều hành kiểm soát quá nhiều trong khâu nghiên cứu và phát triển của Honda.
"Công ty bị ám ảnh bởi Toyota và mải mê cạnh tranh với họ mà không nhận thấy rằng Honda đang dần giống với Toyota", Yoshiyuki Matsumoto - người đứng đầu mảng nghiên cứu và phát triển của Honda giải thích. "Chúng tôi dần quên đi lý do mà Honda ra đời".
Takeo Fukui - Giám đốc điều hành Honda từ 2003 đến 2009 - là người đầu tiên thực hiện kế hoạch thắt chặt chi phí phát triển sản phẩm. Tiếp đến là ông Takanobu Ito, người đã tác động vào giai đoạn phát triển sản phẩm bằng cách chuyển một số vị trí cấp cao trong bộ phận phát triển công nghệ sang trụ sở chính ở Tokyo.
Honda Civic thế hệ thứ 9 bị coi là "phản bội người tiêu dùng". |
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, kỹ sư Mitsuru Horikoshi đã nói về vấn đề này, và giải thích nó đã ảnh hưởng thế nào tới sự thất bại của Honda Civic thế hệ thứ 9. Horikoshi kể lại: "Ngay từ lúc nhận được dự án, tôi biết Honda muốn tiết kiệm chi phí".
Cựu CEO Takanobu Ito ra quyết định tái sử dụng nhiều hệ thống và bộ phận từ thế hệ cũ trong dự án phát triển Civic thế hệ thứ 9 nhằm tiết kiệm chi phí. Dựa trên kế hoạch, kỹ sư Horikoshi đã hoàn thành phác thảo vào tháng 2/2008 và mô tả chi tiết kế hoạch thực hiện vào tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, do không lường trước được chi phí vì giá xăng tăng và tình trạng thiếu hụt của ngành thép, các kỹ sư đã chỉnh lại thiết kế xe.
Đến tháng 6/2009, nhóm kỹ sư muốn độc lập thực hiện dự án Civic. Ito ngay lập tức nói không, và muốn chiếc Civic nhỏ hơn, đi cùng chi phí sản xuất rẻ hơn. Cựu CEO đưa ra hạn chót vào cuối tháng đó phải hoàn thành việc thiết kế lại.
"Sức ép thời gian và chi phí Ito đề ra là điều chưa từng có", Horikoshi nói.
Một kỹ sư khác trong nhóm nghiên cứu và phát triển lên tiếng chỉ trích giai đoạn này giống như "Honda đang rơi vào cái hố sâu tài chính, và những tiêu cực đó tác động lên sản phẩm của nhóm. Chiếc xe bị cắt một loạt trang bị, làm 'rẻ hóa' sản phẩm của nhóm".
Kết cục dễ dàng dự đoán trước, Civic thế hệ thứ 9 đã thất bại. Doanh số chỉ ở mức trung bình. Phiên bản hiệu năng cao Type R và Si phải ngừng sản xuất do người hâm mộ đánh giá kém hơn so với thế hệ tiền nhiệm. Matsumoto nói rằng chắc chắn đây không phải điều Honda muốn khách hàng nhớ đến.
"Đôi khi không nên đặt cao vấn đề tài chính. Nếu điều hành một trung tâm nghiên cứu và phát triển từ khía cạnh hiệu quả, vị CEO sẽ giết chết nơi đó. Đó là những gì đã xảy ra tại Honda. Và chúng tôi không muốn người điều hành nói với các kỹ sư họ phải làm gì", Matsumoto khẳng định.