GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh nói: Những nội dung cần đưa vào sách giáo khoa gồm trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…
Về hải đảo, quân dân Việt Nam đã đấu tranh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, cần làm rõ âm mưu và hoạt động của phía Trung Quốc tìm cách xâm chiếm Biển Đông từ cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 đến cuộc chiến Gạc Ma năm 1988 và nhiều hoạt động xâm phạm khác; Làm rõ ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo đá ở Trường Sa và từng bước quân sự hóa khu vực này, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây tình hình không ổn định ở Biển Đông.
Với chiến tranh biên giới Tây Nam, sách cần làm rõ quân Khmer Đỏ tấn công xâm lược các tỉnh biên giới, Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đồng thời, theo lời kêu gọi của Mặt trận cứu nước Campuchia, chúng ta cùng nhân dân Campuchia đánh đuổi Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Điều đó có ý nghĩa về chính trị và nhân đạo.
Đối với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cần nêu bật sự kiện 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới nước ta. Nhân dân, quân đội Việt Nam đã anh dũng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh cho rằng, một trong những việc cần làm để thay đổi dạy và học môn Lịch sử là thay sách giáo khoa. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Việc làm rõ tính chất xâm lược của Trung Quốc chính là bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh nói Trung Quốc "phản kích tự vệ". Đồng thời nêu lên những tấm gương hy sinh của bộ đội và đồng bào trong cuộc đấu tranh quyết liệt này.
Việc đưa lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo vào sách giáo khoa nhằm mục đích giáo dục cho học sinh thấy rõ những sự thật khách quan, liên quan độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đến cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua đó, chúng ta giáo dục tinh thần sẵn sàng đấu tranh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thấm nhuần truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, nâng cao tinh thần cảnh giác vì tình hình diễn biến phức tạp, có khi lắng dịu, có lúc bùng nổ rất khó lường.
Cũng cần nhấn mạnh với truyền thống yêu nước, nhân dân Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy tinh thần hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn với nhân dân thế giới, hội nhập quốc tế nhưng khi có kẻ nào xâm phạm lãnh thổ, chúng ta quyết đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Sách giáo khoa cũng như chương trình giảng dạy có khuôn khổ về mặt thời lượng và số trang viết. Tuy nhiên, khi đã xác định những vấn đề lịch sử nào là trọng tâm thì sẽ ưu tiên một cách hợp lý. Lấy lý do giảm tải để cắt bỏ phần này, không dạy, là ngụy biện, không chấp nhận được.
Trong sách giáo khoa mới, nhất thiết phải có một chương riêng về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, trong đó đề cập cuộc đấu tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bên cạnh bài giảng chính, chương trình nên có các hoạt động ngoại khóa qua thảo luận, phim ảnh, tham quan bảo tàng và thực địa (ở những nơi có điều kiện)...
> Tranh luận về tích hợp môn Lịch sử |
Che giấu sự thật là có hại
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT nói xem xét là quá muộn, sau gần 40 năm chiến tranh biên giới 1979. Tôi được biết, trước đây có một thời kỳ viết về chiến tranh biên giới rồi, chứ không phải chỉ số ít dòng như bây giờ.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Bộ GD&ĐT trả lời đã đưa những vấn đề liên quan biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa, nhưng khi chúng tôi làm việc thì thấy điều đó không có hoặc rất mờ nhạt.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa, chúng ta ghi nhận. Nhưng Bộ GD&ĐT nói “sách giáo khoa sắp tới” là không rõ bao giờ? Hơn nữa, hiện là thời kỳ chuyển giao nhiệm kỳ, nên chưa có gì đảm bảo chuyện đó sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Sau chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với nước Pháp và Mỹ, chúng ta vẫn viết trong sách Lịch sử và xây dựng được mối quan hệ hòa hảo. Vậy tại sao Trung Quốc lại là trường hợp ngoại lệ? Hơn nữa, đối với dân tộc Việt Nam, cuộc chiến tranh ấy là xương máu của đồng bào, của quân đội, không thể nào quên được.
Tôi nghĩ, ngay từ bây giờ phải bắt tay vào làm việc, không phải chờ đợi bộ sách giáo khoa mới. Bộ GD&ĐT phải bàn bạc kỹ, tham khảo ý kiến của những cơ quan chuyên môn, ví dụ Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học Việt Nam để xây dựng nội dung.
Nội dung giảng dạy, Bộ GD&ĐT bàn bạc các lĩnh vực khoa học cụ thể và lắng nghe ý kiến quần chúng. Đương nhiên, chúng ta cần quan tâm đến ngoại giao, nhưng tôi cho rằng, sự thật được nói ra luôn có lợi, che giấu sự thật mới có hại.
Khuyến khích địa phương đưa tài liệu lịch sử vào chương trình học
Ông Nguyễn Quang Ngọc - Hội Phó Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nhiều lần về việc đưa Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh biên giới 1979 vào sách giáo khoa.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam . Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đà Nẵng đã phát hành tư liệu về Hoàng Sa – Trường Sa. Tất cả các địa phương trong nước, nếu địa phương nào có điều kiện cần được khuyến khích đưa những tài liệu này vào chương trình giáo dục phổ thông.
Về cuộc chiến tranh biên giới 1979, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) hay Viện Sử học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) là những cơ quan có trách nhiệm và có năng lực đứng ra để thu thập và công bố thông tin.
Vì vậy, Nhà nước phải giao nhiệm vụ cụ thể cho họ; Phải tập hợp được những tư liệu lịch sử khách quan, chân thực, phong phú và toàn diện làm cơ sở đưa ra được những nhận xét, đánh giá một cách chuẩn xác, giúp các chuyên gia giáo dục nghiên cứu chắt lọc đưa vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông.
Tư liệu lịch sử nếu không được sưu tầm, tập hợp và giám định sớm sẽ bị mai một và như thế sẽ gây không ít khó khăn cho việc nhận thức chân lý lịch sử khách quan.
Lồng ghép truyền tải kiến thức cho học sinh
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An: Nhiều năm nay, phần kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh biên giới rất mờ nhạt hoặc không có trong sách giáo khoa. Mặc dù vậy, trong những bài giảng của mình, tôi đã dành lưu lượng thời gian nhất định để nhắc lại những kiến thức cơ bản trên. Nếu không, thế hệ trẻ sẽ quên những sự kiện này, không thấy được giá trị của độc lập, tự do, sự biết ơn với các anh hùng dân tộc.
Trong lúc đợi những kiến thức lịch sử trên được viết trong sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT nên gửi công văn cho các Sở GD&ĐT để các trường vận dụng thời gian thích hợp, lồng ghép truyền tải kiến thức cho học sinh.
Ngày 22/2, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đang lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, người dân. Thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp.
Trước đó, GS Phan Huy Lê cho biết, vấn đề Biển Đông sẽ được tích hợp giữa Lịch sử và Địa lý, sau cuộc làm việc của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD&ĐT.
GS Phan Huy Lê nêu quan điểm, vấn đề này phải cập nhật ngay, không thể chậm trễ. Đây là nội dung rất quan trọng, nhất thiết phải trang bị cho lớp trẻ, bởi vấn đề này không đơn thuần thuộc về lịch sử, quá khứ mà là vấn đề mang tính thời sự cao.