Buổi tối của Julie bắt đầu khi cô khoác áo đồng phục màu xanh ngọc và đạp chiếc xe giao hàng của mình trên những con phố. 6 tháng qua, cô làm công việc chuyển phát nhanh cho công ty Deliveroo tại Marseille, Pháp.
Giống như hầu hết shipper nữ tham gia cuộc chia sẻ về công việc của mình với Vice, cô gái cũng xin được giấu danh tính thật vì sợ sẽ mất việc.
Ban đầu, Julie do dự khi nhận công việc này. Không phải cô sợ không theo kịp nhịp độ mà lo lắng về nạn quấy rối. "Tôi thấy đa phần người làm nghề này là nam giới. Tôi không biết những nữ shipper như mình sẽ được chấp nhận hay sẽ bị quấy rối".
"Có lần, một người đàn ông đã nắm chặt ghi đông xe và khăng khăng bắt tôi phải cho anh ta xin số điện thoại. Một lần khác, chủ quầy thịt nướng đã đặt tay lên người tôi, anh ta bảo chỉ là trò đùa thôi. Tôi chẳng biết phải phản ứng thế nào", Julie kể.
Những nữ nhân viên giao hàng lo sợ bị quấy rối bởi đồng nghiệp và khách hàng. Ảnh: The Associated Press. |
Những người phụ nữ làm nghề giao hàng tại Pháp phải đối mặt với sự quấy rối từ khách hàng và đồng nghiệp, bị phân biệt giới tính trong và ngoài nơi làm việc, bị thiếu sự công nhận đối với những gì họ làm.
Một nghiên cứu vào năm 2021, được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Gustave Eiffel, Paris cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 7% lượng nhân viên chuyển phát tại Pháp. Tỷ lệ này còn thấp, nhưng số lượng nhân viên giao hàng nữ đang tăng lên, trong khi vào năm 2020 tỷ lệ này chỉ là 2%.
Con số này có sự khác nhau giữa các quốc gia và chênh lệch giữa các công ty. Dịch vụ Doordash của Mỹ tự hào rằng 58% tài xế của họ là nữ, trong khi UberEats cũng có 1/2 số tài xế là nữ giới.
Bị kỳ thị, quấy rối
Năm 2019, Kelly trở thành nữ tài xế Deliveroo đầu tiên tại thành phố Nîmes, Pháp. Vốn là người thích đi xe đạp nên cô thấy công việc giao hàng này thật hấp dẫn.
"Trong vài tháng đầu, các tài xế nam chỉ nhìn tôi ái ngại. Sau đó, một số người bắt chuyện với tôi. Họ không tỏ ra khó chịu, chỉ muốn giải thích về công việc này với tôi", Kelly nhớ lại.
Julie cũng trải qua những chuyện tương tự. "Đôi khi, các tài xế nam nói rằng tôi sẽ gặp nhiều rắc rối, ví dụ như phải vác chiếc túi nặng khi số đơn hàng tăng. Nhưng tôi nghĩ rằng đâu cần phải là vận động viên mới có thể giao đồ ăn được".
Những lời đánh giá không chỉ đến từ đồng nghiệp. Kelly nói rằng thường nhân viên nhà hàng cư xử rất bình thường, tuy nhiên khách hàng nhiều lúc khó tính. "Đôi khi họ đưa ra những nhận xét mang tính phân biệt đối xử. Ví dụ như câu: 'Là một cô gái, bạn thật dũng cảm khi làm nghề này'", cô kể.
Các nữ shipper thường đối mặt nguy hiểm vì phải giao hàng ở những khu vực vắng vẻ khi trời tối.
Nữ shipper dễ bị quấy rối khi làm việc vào buổi tối. Ảnh: Benjamin Tejero. |
Coralie (44 tuổi) đã làm nghề giao hàng được hai năm. Cô thừa nhận có nhiều lúc rất sợ hãi. "Tùy thuộc từng khu vực, nhiều khi tôi phải đề nghị khách hàng đi ra ngoài một quãng để lấy đồ".
Nhiều khi để đảm bảo an toàn, Coralie giao hàng bằng ôtô, dù điều đó vi phạm chính sách của công ty Deliveroo nơi cô làm việc - vốn chỉ cho phép nhân viên giao hàng bằng xe đạp hoặc xe máy.
Jade đã làm công việc giao hàng được 3 năm và được xem là một trong những gương mặt kỳ cựu. Với cô, việc bị hỏi chuyện hay quấy rối đã không còn là điều lạ.
"Mọi người đã nhẵn mặt tôi. Họ tìm thấy cả Facebook của tôi. Tôi được xem là 'hiện tượng' khi là nữ shipper duy nhất trong thị trấn".
Jade nói rằng có thể kiếm kha khá tiền, khoảng 2.500 euro/tháng, cô vẫn thấy đây là một công việc bấp bênh. Những nhân viên giao hàng cho Deliveroo và Uber Eats vẫn là lao động tự do, bởi vậy quyền lợi không được đảm bảo ổn định.
"Khi tôi nói với mọi người rằng tôi là một tài xế giao hàng, chẳng ai chúc mừng cả. Đây là một công việc có hình ảnh tiêu cực. Chúng tôi phải làm rất nhiều giờ, sử dụng phương tiện đi lại và điện thoại cá nhân. Nếu hôm nào bị ốm và không đi làm thì chẳng kiếm được đồng nào cả", Jade nói.