Suốt thời gian Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) bị phong tỏa, anh Jiang Pengren, nhân viên giao đồ ăn của siêu thị Dingdong, vẫn tiếp tục công việc giao hàng. Ngoài lúc ăn và ngủ, toàn bộ thời gian anh chỉ rong ruổi trên đường.
Với Jiang Pengren, một tháng qua thật khó quên, anh đã gặp những chuyện trước đây chưa từng trải qua. Người đàn ông 45 tuổi nói rằng dù rất lo sợ lây nhiễm, anh quyết bám trụ vì mong muốn đảm bảo đời sống cho mọi người.
"Điều tôi mong muốn nhất lúc này là dịch bệnh sớm trôi qua. Đã 40 ngày rồi tôi chưa được về nhà, tôi rất muốn ôm người thân khi trở lại", anh nói với The Paper.
Jiang Pengren đi giao hàng trăm đơn đồ ăn mỗi ngày cho người dân Thượng Hải trong thời gian phong tỏa. |
40 ngày không về nhà
Hơn một tháng trôi qua, cảm nhận thực tế nhất của Jiang về sự thay đổi là đường phố có nhiều trạm kiểm soát hơn, mọi hoạt động đều được kiểm tra chặt chẽ. Anh phải test nhanh mỗi ngày và sẵn sàng chấp hành quy định này vì sự an toàn chung.
Nơi Jiang làm việc là trạm giao hàng ở Zhangjiang, Phố Đông. Trung bình, mỗi ngày trạm của anh nhận khoảng 5.000 đơn. Hiện tại, mỗi ngày anh phải giao khoảng 300 đơn hàng, nhiều gấp đôi so với khi Phố Đông mới phong tỏa.
"Công việc khá vất vả vì tôi không thể lấy một lúc tất cả đơn hàng. Mỗi đợt, tôi lấy một số đơn, giao đến tiểu khu, rồi quay lại trạm lấy tiếp, lặp lại như vậy rất nhiều lần".
Cách đây không lâu, Jiang đã trải qua những chuyện trước đây anh chưa từng gặp. Đó là lúc anh được thông báo vừa tiếp xúc gần với một ca nhiễm, và buộc phải hủy toàn bộ đơn hàng mới nhận trước đó.
"Khách hàng không hiểu chuyện gì xảy ra. Họ không muốn hủy đơn hay hoàn tiền mà chỉ muốn nhận được đồ ăn. Lúc đó tôi cũng rất buồn", anh kể.
Điều nam shipper mong muốn nhất lúc này là được trở về với người thân. |
Sau đó, nam shipper được sắp xếp cách ly trong khách sạn, công ty cung cấp toàn bộ đồ dùng miễn phí. Anh coi đó như một kỳ nghỉ. Sau nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính, anh được ra ngoài.
Nghe thông tin ở ngoài đang thiếu lực lượng vận chuyển trầm trọng nên thay vì về nhà, Jiang trở lại trạm giao hàng và làm việc cho đến bây giờ.
"Nhiều người hỏi tôi có sợ lây nhiễm khi ngày nào cũng đi ngoài đường và tiếp xúc với nhiều người như vậy không. Bảo không sợ thì là nói dối, nhưng nếu né tránh thì lấy ai làm việc.
Có lần, một nữ khách hàng vừa nghe điện thoại tôi báo xuống nhận đồ ăn liền rất phấn khởi, cô ấy nói: 'Giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cảm ơn các anh vì vẫn làm việc chăm chỉ và giúp đỡ mọi người'", anh nhớ lại.
Thời gian này, anh và các đồng nghiệp của mình thường xuyên nghe được những lời động viên và cảm ơn như vậy. Anh cảm thấy dù có chút khách khí nhưng phía sau đó là sự chân thành của những vị khách, nó giúp anh vui vẻ hơn khi làm công việc đầy vất vả này.
"Tôi tự nhủ chỉ cần khách có nhu cầu thì mình tiếp tục làm. Chúng tôi không ngại vất vả, mệt nhọc mà chỉ sợ nhất là khách hàng không hiểu và thông cảm cho mình. Tôi chỉ mong mọi người đều được ăn uống đầy đủ và thời gian khó khăn này sẽ qua đi", anh bày tỏ.
Tại Thượng Hải, 25 triệu người đang chịu cảnh phong tỏa đến tuần thứ 4. Chính quyền thực hiện xét nghiệm diện rộng cho người dân trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng lên.
Các chủ cửa hàng và đội ngũ tài xế giao hàng là cứu cánh cho hàng triệu cư dân Thượng Hải đang lâm vào bế tắc. Nhưng để duy trì hoạt động giao đồ ăn, nhiều shipper đã phải rời khỏi nhà của họ tới nơi làm việc hoặc sống tạm trên xe.