Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Shipper Trung Quốc nhận tin trúng tuyển thạc sĩ khi đang giao hàng

Đang đi giao đồ ăn, Gao Shuaiqi, shipper 26 tuổi làm việc tại Trịnh Châu, bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển khóa thạc sĩ ngành Luật từ ĐH Giao thông Thượng Hải.

"Thí sinh Gao Shuaiqi, bạn đã được nhận vào Trường Luật Khai Nguyên (thuộc ĐH Giao thông Thượng Hải) với tư cách học viên thạc sĩ Luật chính quy. Vui lòng mang theo giấy này khi đến trường làm thủ tục", nam shipper không kìm được vui sướng khi đọc những dòng thông báo từ trường hôm 7/7.

Câu chuyện của Gao nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Mọi người càng khâm phục khi biết rằng một mình anh vừa phải lo cho mẹ già, bố bị bệnh, em trai nhỏ tuổi nhưng vẫn không từ bỏ ước mơ học hành.

shipper hoc thac si anh 1

Gao nhận được giấy báo đậu vào lớp thạc sĩ khi đang trên đường đi giao hàng.

Gao Shuaiqi từng theo học chương trình cử nhân ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Sau tốt nghiệp, anh gánh trọng trách kiếm tiền vì là trụ cột trong gia đình. Gao quyết định vừa làm nhân viên giao hàng để có thu nhập, vừa ôn luyện để theo đuổi mơ ước học lên thạc sĩ.

Tháng 8/2021, bố của Gao phải nhập viện vì xuất huyết não, gánh nặng tài chính đặt hết lên vai anh. Dù phải chăm sóc bố nhưng Gao không cho phép mình sao nhãng học hành. Để không bỏ dở mục tiêu của mình, mỗi ngày anh học thuộc 5 câu hỏi và đọc lại 1.000 từ vựng tiếng Anh.

"Ngày nào cậu ấy cũng mải miết chạy giao hàng, rồi về nhà nấu cơm và chăm sóc bố mẹ, đêm học tới khuya để quyết tâm thi đậu nghiên cứu sinh của ngôi trường danh tiếng", Feng Chao, quản lý trạm giao hàng nơi Gao làm việc, kể.

Ngoại trừ quản lý trạm giao hàng, ít ai biết về hoàn cảnh khó khăn của Gao, khi anh phải một mình lo cho cả nhà 4 người. Gao còn có một em trai mới học đến cấp hai.

Feng Chao rất khâm phục nghị lực của nam shipper 26 tuổi, nói rằng anh luôn truyền cho mọi người năng lượng tích cực: "Cậu ấy không bao giờ bỏ cuộc, dùng chính năng lực của mình để nâng đỡ bản thân và chăm sóc gia đình".

Gao Shuaiqi được nhận xét là người chăm chỉ và trách nhiệm với mọi việc mình làm. Anh đã duy trì kỷ lục không có lần nào bị đánh giá tiêu cực khi giao các đơn hàng.

Hôm 5/7, ở Trịnh Châu mưa rất lớn. Trên đường đi giao đồ ăn, chiếc xe điện của Gao suýt bị dòng nước làm lật nhào. Nhưng bất chấp mưa gió, anh đã giao hết các đơn hàng mình nhận.

shipper hoc thac si anh 2

Shipper 26 tuổi được đánh giá tốt, luôn truyền năng lượng tích cực cho mọi người.

Mỗi ngày, Gao bắt đầu bật ứng dụng và đi giao hàng vào giờ cao điểm ăn trưa lúc 10h. Đến 14h30, anh về làm việc nhà, chăm sóc gia đình. Tới 16h, anh đi giao đồ ăn ca tối và kết thúc công việc lúc 20h.

Anh dành phần lớn thời gian buổi tối để học. "Tôi đã cố gắng học nhiều hơn để vượt qua kỳ thi kiểm tra chuyên môn pháp luật quốc gia càng sớm càng tốt", Gao nói.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Gao đã nghĩ đến việc đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng anh đồng thời muốn học lên cao. Sau khi hỏi chuyện một người anh họ làm shipper, Gao thấy nghề này phù hợp với nhu cầu của mình: vừa có thể kiếm tiền, vừa sắp xếp thời gian thoải mái để học và lo chuyện nhà cửa.

Ban đầu, anh tự đặt tiêu chí mỗi ngày giao 30 đơn, vì còn phải chăm sóc gia đình và tự học. Anh kiếm được 5.000 nhân dân tệ (17,4 triệu đồng) một tháng, vừa để chi tiêu trong nhà, vừa để dành một khoản nhỏ làm học phí sau này.

Gao kể anh luôn cố gắng làm tốt nhất để khách hài lòng và chưa từng bị đánh giá tiêu cực. Có lần, chung cư nơi anh giao hàng bị hỏng thang máy, Gao đã leo bộ 14 tầng để đưa hàng tận tay khách.

Lớp thạc sĩ sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới đây, Gao đã lên định hướng cho đoạn đường sắp tới: học chăm chỉ và vượt qua kỳ thi pháp lý vào năm đầu tiên, sau đó thực tập để tăng kinh nghiệm.

Với tình hình sức khỏe của bố, anh dự định bán căn nhà ở Trịnh Châu và đưa bố mẹ về quê ở Khai Phong, điều này cũng giúp anh giảm áp lực tài chính.

Trước khi nhập học, khoản tiết kiệm của anh là khoảng 20.000 nhân dân tệ. Anh sẵn sàng đăng ký vay vốn, vừa học vừa làm.

"Tới Thượng Hải, tôi vẫn có thể tiếp tục giao đồ ăn để kiếm thêm. Tôi muốn dùng chính năng lực của bản thân để tạo nên đột phá, thay đổi cuộc đời mình", Gao nói.

Người trẻ Trung Quốc mới ra trường đã chọn 'nằm im'

Thị trường lao động cạnh tranh siêu khốc liệt, cộng thêm loạt khó khăn chồng chất vì Covid-19 khiến nhiều người trẻ chọn "nằm im" hoặc cố tìm cách ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm