Chương trình “sống còn” (survival show) là đặc sản của làng giải trí Hàn Quốc, lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình vào năm 2006. Sản phẩm có sự tham gia của nhóm Big Bang đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Kể từ đó các chương trình tuyển chọn như vậy vẫn đều đặn ra mắt hàng năm.
Big Bang từng tham gia chương trình "sống còn". |
Tại sao lại là 'sống còn'?
Các chương trình truyền hình dạng này tập trung vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để được ra mắt của các thực tập sinh. Quá trình thi đấu loại trừ để giành cơ hội được trở thành ca sĩ thần tượng được khai thác và biên tập lại một cách kịch tính để thu hút người xem.
Với đặc trưng ngành công nghiệp thần tượng của làng giải trí Hàn, số lượng các nhóm nhạc được ra mắt mỗi năm rất lớn. Để trở nên nổi bật trong mắt khán giả giữa hàng trăm nhóm nhạc, nhiều công ty đã chọn cách cho thực tập sinh của mình tham gia các chương trình loại trừ này.
Tham gia chương trình, không hẳn các thực tập sinh sẽ ngay lập tức nổi tiếng. Nhưng câu chuyện về những khó khăn của mỗi người hay các chiêu trò cạnh tranh giúp thực tập sinh thu hút được một lượng fan nhất định ngay ở giai đoạn "vỡ lòng" của sự nghiệp.
Nhờ đó, các nhóm nhạc thần tượng ngay khi chính thức ra mắt đã có được một lượng fan không nhỏ.
Từ những chương trình riêng mà 'chất'
Trên thực tế có nhiều nhóm nhạc chọn thành viên ra mắt thông qua cách này. Big Bang là nhóm nhạc mở đầu “phong trào” với Big Bang’s Documentary nhằm mục đích tuyển chọn thành viên để tạo thành Big Bang.
Có 6 thực tập sinh tham gia vào cuộc tuyển chọn này, kết quả Hyun Seung (cựu thành viên BEAST) bị loại. 5 thực tập sinh còn lại trở thành Big Bang ngày nay.
Hot Blood Men là chương trình đã tạo ra 2PM và 2AM. Hai nhóm trước đó được gọi chung dưới tên One Day. Sau các vòng loại trừ, 3 thực tập sinh đã bị loại bỏ. Và hai nhóm nhạc nam của nhà JYP cùng ra mắt công chúng năm 2008.
Một trong những chương trình chọn thành viên nổi tiếng nhất là WIN: Who Is Next? - “chiến trường” của hai nhóm nam trẻ Winner và iKon đến từ YG. Trong cuộc thi đó, Winner đã chiến thắng và đẩy những thực tập sinh còn lại vào một cuộc đấu khốc liệt khác là Mix and Match để được chọn vào nhóm iKon.
Không chỉ có nhóm nhạc nam, nhiều nhóm nhạc nữ cũng phải trải qua những cuộc đấu tranh loại trừ như thế. Twice được chọn ra từ 16 thực tập sinh tham gia chương trình Sixteen lên sóng năm 2015. Tiếp ngay sau Twice là nhóm nhạc I.O.I với 11 người chiến thắng từ Produce 101.
Đến sự đổ bộ ồ ạt không thể kiểm soát
Sau khi Produce 101 mùa 1 dành cho nữ kết thúc giữa năm 2016, Mnet - đài truyền hình cáp chuyên sản xuất các show truyền hình mang tính đấu tranh - lập tức đưa lên sóng Boys 24 và mới đây là Produce 101 mùa 2 dành cho nam.
Cả ba chương trình đều đạt được lượng người xem cao kỉ lục. Produce 101 mùa 2 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số truyền thông hạng mục truyền hình trong suốt 4 tháng phát sóng.
Các thí sinh chương trình Produce 101 mùa 1. |
Thành công vang dội của Produce 101 cùng sự nổi tiếng của các thực tập sinh đến từ chuỗi chương trình này cũng khiến các công ty giải trí, các đài truyền hình ồ ạt nhảy vào cơn sốt “sống còn”.
Sức nóng của các chương trình đến từ Mnet khiến đài truyền hình quốc gia KBS không thể nhắm mắt làm ngơ. KBS cũng tổ chức sản xuất game show theo format "sống còn"
Cùng lúc đó, nơi “khai sinh” ra đặc sản “sống còn” là YG Ent cũng nhanh chóng xác nhận công ty này đang lên kế hoạch và triển khai sản xuất hai chương trình tương tự. Chủ tịch YG còn gọi đó là “Produce 101 của YG”.
Và các nam thí sinh mùa 2. |
Khi khán giả đã chán 'sống còn'
Tận dụng lượng khán giả từ Produce 101, Mnet cho lên sóng liền kề ngay sau đó một cuộc tuyển chọn nhóm nữ mới mang tên Idol School. Bị khán giả chỉ trích vì vay mượn ý tưởng từ Nhật Bản cũng như có những chỉnh sửa ác ý làm tổn hại nhân phẩm thí sinh, Mnet vẫn không có ý định dừng chuỗi thử thách loại trừ và tuyển chọn này.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả cho biết họ đã bắt đầu bỏ việc theo dõi các chương trình "sống còn"."Hàn Quốc chỉ có chưa đầy 51 triệu dân, các thực tập sinh và nhóm nhạc xuất hiện nhiều đến nỗi không biết bao nhiêu phần trăm dân số đang cố gắng trở thành ca sĩ thần tượng", một cư dân mạng viết.
Dư luận chỉ trích các chương trình này không tập trung vào chất lượng và tài năng của thí sinh mà chỉ cài cắm các chiêu trò hút khách. Nội dung không có gì đổi mới và sáng tạo, chỉ chọn cách “bình mới rượu cũ” để nhanh chóng lên sóng và thu lợi.
Sự xuất hiện ồ ạt mà nhạt nhòa ấy đang dần khiến khản giả cảm thấy “bội thực”.