Đều đặn dậy từ 5h30 sáng để luyện đề trước khi tới trường, sau hơn 6 giờ học trên lớp, Nguyễn Hữu Huân (học sinh lớp 9 tại Đông Hưng, Thái Bình) chỉ kịp về nhà nghỉ ngơi, ăn vội bát cơm rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học tới khuya. Cậu đã rất quen với lịch trình này kể từ giữa học kỳ I của năm lớp 9.
Vài ngày trước, sau khi phát hiện có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Thái Bình lập tức cho học sinh tạm dừng đến trường. Huân lại quay trở về việc học online, trong nỗi bất an khi kỳ thi vào lớp 10 đã cận kề.
“Chúng em mới chỉ biết môn thi thứ 3 là tiếng Anh vào đầu tháng 4, tức khoảng 1 tháng trước đó. Kiến thức cần học vẫn còn khá nhiều, nếu không được học tập trung tại trường, việc ôn tập của em sẽ gặp rất nhiều xáo trộn. Mặt khác, lứa học sinh 2006 từng có 2 lần liên tiếp phải học online nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng”, Huân nói.
Nam sinh tâm sự vì chỉ có cơ hội đăng ký vào một trường duy nhất, nếu không đỗ sẽ phải học bán công nên em không dám ngơi nghỉ.
Lịch học trực tuyến trong giai đoạn ôn thi của Huân. Ảnh: VietNamNet. |
Phụ huynh gọi điện xin cô giáo… giao ít bài hơn
Hôm qua, cô giáo chủ nhiệm của Huân đã gửi lịch học trực tuyến cho học sinh trong lớp. Theo lịch học này, cậu sẽ phải học 2 ca từ 7h30 đến 9h và 9h10 đến 10h30. Đến buổi chiều, cô giáo tiếp tục giao bài tập, học sinh sẽ gửi lại bài làm vào Zalo trước 20h.
“Sau khi hoàn thành bài tập cô giao, em tiếp tục tự học môn Văn, luyện thêm đề Toán và tiếng Anh. Những việc này chiếm khá nhiều thời gian nên em cũng không còn đủ sức để đi học thêm nữa”, Huân chia sẻ.
Bố mẹ Huân làm kinh doanh tự do, thường kết thúc công việc lúc 19h. Ba tháng trở lại đây, Huân phải tự nấu cơm ăn trước. Trừ những ngày cuối tuần, gần như không có buổi tối nào cậu được ăn cùng gia đình.
“Em thường học từ 19h đến 22h30. Em biết rất nhiều bạn thức đến 1h, 2h, hôm sau học rất uể oải”, nam sinh nói.
Cùng lớp với Huân, Đặng Minh Châu cũng hoang mang vì việc ôn tập cho kỳ thi còn rất ngổn ngang, trong khi ngay cả các lớp học thêm cũng đóng cửa để phòng dịch.
“Dù biết việc học online là bất khả kháng, rõ ràng, chất lượng không thể bằng trực tiếp. Ở trường, nếu bài nào khó, cô giáo sẽ giảng giải ngay cho em. Nhưng học trực tuyến, cô nói không được kỹ lắm và chủ yếu là bổ sung kiến thức cơ bản”.
Vì thế, Minh Châu cho rằng nếu việc học trực tuyến tiếp tục kéo dài cho đến lúc thi, điều cần thiết nhất lúc này là tự học.
“Chúng em đang học online tại nhà nên cô giáo giao nhiều bài tập hơn trên lớp, vì sợ học sinh có thời gian rảnh. Cô cứ gửi đề qua Zalo, sau đó phụ huynh sẽ in cho con làm”. Ngoài ra, nữ sinh sẽ luyện 2 môn mỗi tối.
Học liên tục từ 21h đến 1h, 2h sáng hôm sau, Châu nói có những lúc cảm thấy mệt mỏi, nhưng phải cố gắng vì biết sẽ không có cơ hội lần thứ hai.
Nhìn thấy con thường xuyên học đến tận khuya, quá sốt ruột, chị Nguyễn Thị Minh (mẹ Minh Châu) đã gọi điện, xin cô giao ít bài hơn cho con.
“Tôi nghĩ việc nhồi nhét lúc này có thể sẽ phản tác dụng. Con vẫn cần ôn tập, nhưng cũng phải điều độ, và quan trọng nhất là giữ sức khỏe cho bản thân mình”, chị Minh nói.
Học sinh lo lắng khi kỳ thi đã cận kề. Ảnh: VietNamNet. |
Tự lập nhóm học chung trong mùa dịch
Hà Nội chuyển sang học trực tuyến. Với Vũ Mai Anh (học sinh trường THCS Đống Đa), điều này không còn xa lạ, vì đây đã là năm thứ hai vừa học vừa chống dịch.
Tuy nhiên, Mai Anh cũng nhận thấy nhiều thiệt thòi khi không được ôn tập tại trường.
“Năm nay, em không thi trường chuyên, nhưng đặt nguyện vọng 1 là THPT Kim Liên, cũng là ngôi trường có tỷ lệ cạnh tranh khá cao, nên cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Giai đoạn nước rút, chúng em được học trực tiếp với các thầy cô sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, Mai Anh nói.
Hiện, nữ sinh “dồn sức” vào 4 môn thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Anh và Lịch sử. Vì đã mất công ôn tập nên nữ sinh cũng không muốn bỏ môn này. Mai Anh cho rằng đề thi năm nay có thể sẽ nhẹ nhàng hơn và biết đâu, đây sẽ là môn “gỡ điểm” cho học sinh.
Ngay khi biết tin phải chuyển sang học trực tuyến, Phạm Thùy Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng hai người bạn gần nhà đã lập nhóm để ôn luyện. Linh cho rằng mỗi người có một thế mạnh riếng sẽ bổ trợ và giúp nhau tốt hơn.
“Nếu không phải nghỉ dịch thì hiện giờ, chúng em cũng đang tăng tốc để ôn luyện. Nhưng giờ đây phải học online, các trung tâm đã đóng cửa, em cũng hơi mất phương hướng. Vì thế, cả ba đã bàn nhau sẽ lập nhóm để cùng ôn luyện”.
Mỗi buổi học nhóm, cả ba cùng giải đề các năm trước và chữa bài cho nhau. Nhóm cũng cố gắng duy trì tối thiểu 4 buổi học mỗi tuần.
“Năm học này bị rút gọn vì dịch Covid-19, em cũng chỉ mong các kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, không áp lực”, Linh nói.
Trước thời điểm học sinh lớp 9 bước vào kỳ thi chuyển cấp, cô Trần Thị Thanh Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhắn nhủ học sinh cuối cấp không nên quá lo lắng, bởi kiến thức, kỹ năng các em đã được trang bị trong suốt 4 năm THCS. Đây là thời điểm học sinh cần củng cố lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng để bình tĩnh hơn, sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Bên cạnh đó, cô Thảo cũng nhắn nhủ phụ huynh "cần yêu thương con đúng cách, quan tâm nhưng không gây áp lực; định hướng cho con chứ không ra lệnh, áp đặt; động viên, khích lệ con ngay cả khi thành công hay thất bại. Sự quan tâm, yêu thương và đồng hành đúng cách trong thời gian đặc biệt này sẽ giúp các con tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng này”.