Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

'Sick guilt', đừng xin lỗi khi nghỉ làm vì ốm

Nhiều nhân sự cảm thấy tội lỗi khi xin nghỉ làm với lý do sức khỏe. Tình trạng này càng trầm trọng khi họ được phép làm việc từ xa.

"Sick guilt" gây ra nhiều hệ quả tới người lao động và công ty. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

“Sick guilt” (cảm giác tội lỗi vì nghỉ ốm) là thuật ngữ xuất hiện từ giai đoạn đại dịch Covid-19, chỉ việc một nhân sự tới công ty chỉ để chứng minh cho sếp thấy mình thực sự đang rất ốm.

Nếu may mắn, họ sẽ được về nhà nghỉ ngơi, sau khi đã lây nhiễm virus cho một nửa văn phòng.

Theo Work Life, “sick guilt” có xu hướng gia tăng đối với nhiều người lao động khi họ được phép làm việc từ xa. Ngồi trên giường hoặc sofa, nhân sự cảm thấy mình cần tiếp tục làm việc mặc cho rất ốm. Tâm lý có lỗi, cả nể bao trùm khiến họ không dám nghỉ ngơi.

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty cung cấp phần mềm nhân sự BambooHR, 89% người lao động phải làm việc trong khi bị ốm vì chịu áp lực của quản lý, cảm giác tội lỗi và e ngại sự chỉ trích từ đồng nghiệp.

sick guilt anh 1sick guilt anh 2
sick guilt anh 3

“Sick guilt” có hại cho cả nhân viên và người sử dụng lao động. Ảnh minh họa: Dominika Roseclay/Pexels.

Cách làm việc độc hại

Molly Johnson-Jones, người sáng lập Công ty tuyển dụng Flexa, cho biết thường cảm thấy tội lỗi vì xin nghỉ ốm hoặc làm việc tại nhà khi không khỏe.

Đôi khi, cấp trên yêu cầu cô gửi ảnh để chứng minh đang ở trong bệnh viện.

Áy náy với công ty, cô làm thêm nhiều giờ để chứng minh mình đang cống hiến, mong sếp hiểu chính công việc khiến sức khỏe tinh thần và thể chất kém đi.

“Thật là một điều khủng khiếp đối với nhân viên khi văn hóa công ty coi trọng thời gian có mặt ở công sở hơn là sức khỏe của họ. Rõ ràng, nếu nhân viên bị ốm và muốn nghỉ phép, họ nên cảm thấy mình được quyền làm như vậy”, Johnson-Jones nói.

Trong khi đó, theo Roza Szafranek, nhà sáng lập và CEO của doanh nghiệp chuyên về nhân sự HR Hints, “sick guilt” có hại cho cả nhân viên và người sử dụng lao động.

Nếu mọi người không dành thời gian chăm sóc bản thân, thời gian bệnh sẽ kéo dài, ảnh hưởng nhiều hơn đến hiệu suất làm việc. Nếu nhân sự bị ốm vẫn đến văn phòng làm việc, họ có thể lây bệnh cho người khác và khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Erika Brodnock, CEO và đồng sáng lập của nền tảng sức khỏe Kinhub, cho biết: “Trạng thái 'sick guilt' là dấu hiệu của một văn hóa làm việc độc hại. Nhân viên không nên cảm thấy áp lực hoặc lo lắng khi cần nghỉ phép vì ốm. Ngoài ra, họ cũng phải được đảm bảo rằng bản thân có quyền nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe. Điều này là một dấu hiệu cho thấy công ty có thực sự quan tâm đến sức khỏe và phúc lợi của người lao động hay không”.

sick guilt anh 4sick guilt anh 5
sick guilt anh 6

Doanh nghiệp cần đảm bảo người lao động cảm thấy thoải mái khi chia sẻ rằng họ đang bị ốm và cần nghỉ làm. Ảnh minh họa: fauxels/Pexels.

Giải pháp

Để thay đổi văn hóa “sick guilt” trong doanh nghiệp, điều đầu tiên, các lãnh đạo cần là người sẵn sàng nghỉ khi ốm và khuyến khích nhân viên hãy làm điều tương tự.

Ngoài ra, các công ty cũng cần có các biện pháp xử lý nếu nhân sự vi phạm quy định này.

Các biện pháp từ phía doanh nghiệp sẽ giúp nhân sự thoải mái hơn khi nghỉ ốm. Họ sẽ không lo lắng bị đánh giá, tụt lại phía sau và có thể nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cấp trên.

Báo cáo của BambooHR cho thấy 45% người lao động mong muốn được sếp hoãn lại deadline hoặc cho phép bàn giao việc cho người khác để có thể tự tin nghỉ ốm.

Ngoài ra, cứ 5 người lao động thì có 2 người cảm thấy không yên tâm về việc nghỉ ốm vì những người khác có thể cho rằng họ đang giả vờ. Nếu giữa nhân sự có mức độ tin tưởng cao, tình trạng này sẽ giảm bớt.

“Nhà quản lý cần giúp mọi người cảm thấy đủ an toàn và được tôn trọng để chia sẻ về tình hình sức khỏe của bản thân. Các doanh nghiệp cần biến điều này thành văn hóa công ty để cho thấy rằng họ đặt sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên làm trung tâm”, Brodnock khẳng định.

Khi sếp ở văn phòng, nhân viên ngồi quán cà phê

Nhiều quản lý gặp khó khăn khi điều hành đội nhóm từ xa. Công nghệ giúp kết nối thông tin, song không đảm bảo việc giám sát hiệu suất, quản lý nguồn lực...

AI có cướp đi công việc

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Hiền Lê

Bạn có thể quan tâm