Sau hơn 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 5/11, TAND TP HCM đã chính thức tuyên án với 11 bị cáo trong vụ lừa đảo gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN6).
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, HĐXX nhận thấy cáo trạng truy tố các bị cáo của VKS Tối cao là đúng người, đúng tội, ngoại trừ trường hợp của bị cáo Phạm Hoàng Thọ bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thọ được Dương Thanh Cường thuê làm Giám đốc Công ty Thanh Phát. Thọ không biết kế hoạch lừa đảo của Cường mà chỉ làm theo sự chỉ đạo của người đàn ông này.
Tuy nhiên, khi biết Cường lừa đảo, Thọ không tố giác. HĐXX quyết định chuyển tội danh của bị cáo này từ Lừa đảo thành Che giấu tội phạm.
Mức án cụ thể với các bị cáo trong vụ án. Ảnh: Khắc Thành. |
Ngoài bản án hình sự, HĐXX còn buộc "siêu lừa" Dương Thanh Cường bồi thường cho Agribank 1.127 tỷ đồng. Lê Thành Công phải nộp lại cho Công ty Dệt kim Đông Phương hơn 1 tỷ đồng.
Đồng thời, nhận thấy có dấu hiệu lạm quyền trong khi thi hành công vụ của Agribank trong việc nâng quyền phán quyết cho vay, HĐXX quyết định khởi tố vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Agribank, gửi lên VKSND Tối cao.
Theo nội dung vụ án, Công ty Dệt kim Đông Phương có trụ sở ở số 10 đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TP HCM).
Năm 2006, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP HCM về việc di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi thành phố. Công ty này hợp tác với Công ty Bất động sản Phương Nam để xây dựng khu đất trên đường Âu Cơ thành chung cư, trung tâm thương mại.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Khắc Thành. |
Năm 2007, Công ty Phương Nam nhượng lại 80% cổ phần thực hiện dự án trên cho Công ty Bình Phát (Dương Thanh Cường làm Tổng giám đốc).
Để có tiền thực hiện dự án, Cường chỉ đạo cho Thái Cường (Giám đốc Công ty Tấn Phát) lập hồ sơ vay của Agribank CN6. Tài sản thế chấp là lô đất 10 Âu Cơ cùng một bất động sản trên đường An Dương Vương (TP HCM).
Biết Công ty Bình Phát mới thành lập, không có khả năng tài chính và chưa đặt quan hệ giao dịch với Agribank CN6. Đồng thời, dự án số 10 đường Âu Cơ chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng Giám đốc Agribank CN6 lúc này là Hồ Đăng Trung vẫn duyệt hồ sơ.
Ngoài ra, Agribank CN6 chỉ được cho vay tối đa 80 tỷ đồng, quá số tiền này phải báo cho Agribank Việt Nam. Nhưng Trung vẫn tự ý giải ngân cho Cường vay 170 tỷ, vượt quá thẩm quyền của mình.
"Siêu lừa" Dương Thanh Cường. Ảnh: Khắc Thành. |
Sau đó, bằng các mối quan hệ cá nhân, Thanh Cường "mượn" lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 10 Âu Cơ đã thế chấp cho Agribank để làm thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Cường không trả lại sổ đỏ cho Agribank mà dùng giấy này làm thủ tục vay của Ngân hàng Phương Nam gần 16.000 lượng vàng. Không có khả năng chi trả, Cường đã gán luôn sổ đỏ này cho Ngân hàng Phương Nam.
Sau đó, Thanh Cường sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Thanh Phát lập dự án khu biệt thự nhà vườn ở huyện Bình Chánh rồi lập hồ sơ vay vốn của Agribank CN6. Tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số quận, huyện của TP HCM.
Mặc dù dự án chưa được phê duyệt nhưng Trung vẫn đồng ý cho Cường vay 700 tỷ, đã giải ngân 628 tỷ.
Sau đó, Cường tiếp tục "mượn" 23 sổ đỏ đã thế chấp cho Agribank để vay 270 tỷ cùng 18.000 lượng vàng của Ngân hàng Phương Nam rồi "gán" luôn cho ngân hàng này.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (9/2012), hành vi của Cường đã gây thiệt hại cho Agribank CN6 số tiền hơn 966 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi.