Mighty Morphin Power Rangers (5 anh em siêu nhân) là loạt phim hành động - giả tưởng gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả 8x - 9x. Với đối tượng người xem chính là trẻ em, thương hiệu thu hút chủ yếu nhờ giáp phục nhiều màu sắc của các ranger, cũng như những trận đối đầu kinh điển giữa người máy khổng lồ (Megazord) và quái vật.
Ở tập phim kỷ niệm 30 năm phát sóng Power Rangers: Once and Always, các siêu nhân lúc này vẫn chiến đấu cho lẽ phải, dù đã ở tuổi trung niên. Kẻ thù cũ của họ - Rita Repulsa - cũng hồi sinh trong hình dạng người máy. Trong một trận đối đầu, Trini vì đỡ đòn cho đồng đội nên đã hy sinh.
Các siêu nhân nay ở tuổi trung niên. Ảnh: Netflix. |
Nhiều năm sau, Minh (Charlie Kersh), con gái của Trini, vẫn ngày đêm tập luyện, nhằm trả thù cho mẹ mình. Khi Rita cùng bè lũ tay sai rắp tâm thực hiện mưu đồ thâu tóm Trái Đất, Minh và các cô chú phải hợp sức để đánh bại mụ phù thủy một lần và mãi mãi.
Sự ra đi của những huyền thoại
Để đẩy đúng cảm xúc của mình khi xem phim, có lẽ khán giả cần tìm hiểu thêm về câu chuyện sau hậu trường. Năm 2001, khi mới 27 tuổi, Thùy Trang qua đời vì tai nạn xe hơi. Tập cuối cùng mà Thùy Trang xuất hiện trong Power Rangers là The Power Transfer, Part II. Trong đó, sức mạnh Sabertooth Tiger (Hổ răng kiếm) được chuyển giao cho Aisha, do Karan Ashley thủ vai.
Trong Power Rangers: Once & Always, Trini vẫn còn sống cho đến khi các ranger hợp lực để chiến đấu với Robot Rita. Sự hy sinh của cô kết thúc hành trình của Yellow Ranger gốc. Vì thế, Once & Always không chỉ là cuộc hội ngộ của các Power Rangers mà còn là lời tri ân dành cho Thùy Trang. Sự hiện diện của Trini được cảm nhận xuyên suốt bộ phim, đặc biệt là nhờ câu chuyện của Minh Kwan.
Không những thế, trong năm vừa qua, cộng đồng người hâm mộ đón nhận tin buồn khi Jason David Frank - thủ vai Green Ranger - qua đời. Khác với Thùy Trang lúc sinh thời đã ngừng đóng Power Rangers, David Frank vẫn ấp ủ nhiều dự án dang dở để vực dậy thương hiệu này. Lần gần nhất, khán giả thấy anh khoác giáp phục Green Ranger là trong một tập của series Power Rangers Super Ninja Steel. Nam diễn viên có vai cuối cùng trong Legend of the White Dragon - phim độc lập lấy cảm hứng từ Power Rangers, hiện chưa ra mắt khán giả.
Phim là lời từ biệt với hai ngôi sao quá cố Thùy Trang và Jason David Frank. Ảnh: Netflix. |
Để tri ân hai ngôi sao khuất đã góp phần định hình nên thương hiệu, đoạn credit của Once & Always đăng ảnh tưởng nhớ Thùy Trang và Jason David Frank. Bên dưới họ là câu thoại kinh điển: "Once a ranger, always a ranger" (Một lần là siêu nhân, mãi mãi là siêu nhân).
Bộ phim đầy chất hoài niệm
Không khó nhận ra Power Rangers: Once and Always là phim lẻ dành riêng cho "fan ruột" - những trẻ em từng mê mẩn xem siêu nhân trừ gian diệt bạo nay đã trưởng thành. Mặc dù được thực hiện trong thời đại CGI (kỹ xảo vi tính) thịnh vượng, phim vẫn trung thành với những giá trị nguyên sơ làm nên "hồn cốt" của loạt phim.
Cụ thể hơn, giáp phục của các ranger được giữ nguyên như bản truyền hình, chỉ đánh bóng và thêm chút hiệu ứng. Chưa hết, hàng ngũ tay sai của Rita Repulsa vẫn là diễn viên trong phục trang quái vật; tổng thể mang đến cảm giác vừa ngô nghê, vừa thân thuộc. Người xem dễ nhận ra sự khác biệt, khi so sánh với bản điện ảnh "đen tối" Power Rangers năm 2017 - vốn nhắm tới tệp khán giả đại chúng.
Tác phẩm cài cắm nhiều chi tiết, khung cảnh gợi nhắc loạt phim đầu tiên. Ảnh: Netflix. |
Phim cũng cài cắm nhiều chi tiết gợi nhớ loạt phim năm nào, như Trung tâm Thiếu niên Angel Grove, tháp truyền tin của Zordon, người máy Alpha 9,... Các câu thoại "đinh" như "It's Morphin Time!' (Đến lúc biến hình rồi) hay "Sau 10 nghìn năm, ta đã tự do!" (thoại đầu tiên của mụ Rita) cũng được tái hiện tạo cảm xúc bồi hồi.
Theo IGN, phim mới có nhiều tiến bộ nếu xét ở phần kỹ thuật. Các góc quay trong cảnh chiếu đấu đa dạng hơn, đồng thời tận dụng được fly cam quay đại cảnh, mang đến cảm giác hoành tráng - điều gần như không thể xét theo thời điểm làm loạt phim gốc. Ngoài ra, ở trận đại chiến giữa Megazord và quái vật, hai đối thủ có cử động mượt mà, biến thiên hơn chứ không còn chậm chạp như ngày trước.
Kịch bản còn trẻ con
Trong bối cảnh phim ảnh Hollywood luôn truy cầu những kịch bản mới, những góc khai thác lạ, Power Rangers: Once & Always hoàn toàn thiếu giá trị khai phóng. Với thời lượng chỉ 50 phút, phim giống một tập truyền hình hơn là tác phẩm độc lập. Tác phẩm đi theo motif cũ, khi trận cuối vẫn là các siêu nhân điều khiển Megazord để đánh quái vật đã được Rita hóa lớn.
Tiềm năng giúp phim tiếp cận lứa khán giả mới cũng bị khai thác qua loa. Chi tiết Rita mở cánh cổng đa vũ trụ dễ liên kết với trào lưu "Vũ trụ Điện ảnh" của các phim siêu anh hùng Marvel, song lại không được khai thác tới nơi. Hay lý do mụ hồi sinh và mang hình hài mới cũng chỉ thoáng qua bằng một đoạn hồi tưởng thiếu thuyết phục. Mụ trở lại và hứa hẹn sẽ quỷ quyệt, tàn nhẫn hơn; song rốt cuộc vẫn chỉ là "cây hài" như loạt phim gốc.
Rita Repulsa trở lại với tạo hình dữ tợn hơn, song tính cách vẫn lố bịch như trước. Ảnh: Netflix. |
Thời lượng eo hẹp cũng là lý do khiến các chi tiết "người lớn" trong phim bị khắc họa nửa vời. Chi tiết Zack/ Black Ranger (Walter Jones) là nghị sĩ, hay lý tưởng hòa bình của Billy/ Blue Ranger (David Yost) chỉ được nhắc thoáng qua, không ảnh hưởng mấy đến diễn biến phim. Hành trình trả thù và trưởng thành của Minh quá ngắn, khiến người xem khó cảm với nhân vật, cũng như lối diễn của Charlie Kersh.
Nhìn chung, để theo dõi trọn vẹn phần phim đặc biệt, người hâm mộ cũng cần dành nhiều sự châm chước. Họ buộc phải tạm quên những tình tiết ngớ ngẩn, để trôi về dòng ký ức của một "tuổi thơ dữ dội". Còn nếu coi đây là một phim độc lập, hay một tác phẩm phục vụ đại chúng, người xem chắc chắn thất vọng.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu Ulysses Moore - bộ sách phiêu lưu dành cho khán giả nhí bao gồm ba cuốn: "Ulysses Moore - Cánh cửa thời gian", "Ulysses Moore - Ở tiệm những tấm bản đồ bị lãng quên" và " Ulysses Moore - Ngôi nhà gương".