Trong lúc các nước khác khép cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài hoặc mở cửa ồ ạt, Singapore chọn con đường ở giữa hai thái cực: Vừa mở cửa biên giới ở mức hạn chế và duy trì nền kinh tế, vừa nỗ lực dập dịch mỗi khi virus xuất hiện trong thời gian sớm nhất có thể.
Với tư duy ấy, Singapore đã lựa chọn con đường “độc nhất trên thế giới”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định trong một bài phát biểu hồi tháng 10.
“Một số người có thể thấy rằng cách tiếp cận trung dung này có lẽ còn thiếu rõ ràng, nhưng nó giúp chúng tôi ngăn chặn số lượng lớn ca tử vong như ở nhiều nước khác”, ông Ong nói.
“Đây là con đường đúng đắn cho Singapore và mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại càng đến gần hơn tới ánh sáng cuối đường hầm”, Bộ trưởng Ong khẳng định.
Không có lựa chọn lý tưởng
Nếu thế giới có thể rút ra được điều gì sau gần 2 năm ứng phó Covid-19, đó rất có thể là việc không có giải pháp chống dịch nào là tuyệt đối. Mỗi một hành động đều ẩn chứa trong đó một sự đánh đổi.
Chẳng hạn, khi còn trung thành với chiến lược “Zero Covid-19”, Australia đã tung ra biện pháp ngăn người nhập cảnh quốc tế, truy vết F0 và đóng cửa biên giới bang sau mỗi lần bùng dịch, theo BBC.
Sau thời gian dài theo đuổi "Zero Covid-19", Australia cuối cùng cũng mở cửa trở lại với thế giới. Ảnh: Reuters. |
Các lệnh phong tỏa toàn thành phố hoặc toàn bang thường xuyên được ban bố, đôi khi chỉ vì phát hiện một ca mắc. Virus ít có điều kiện lây lan trong thời gian giãn cách, nhưng lệnh phong tỏa kéo dài cũng gây tổn thất tới đời sống và sức khỏe tâm lý của người dân.
Biện pháp chống dịch kiểu pháo đài của Australia có lẽ vẫn sẽ có hiệu quả nếu như chủng Delta không xuất hiện. Với sự dễ lây lan của Delta, các thành phố và bang ở Australia vẫn ghi nhận số ca mắc lớn dù ban bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Sau thời gian chật vật kiểm soát Delta, Australia cuối cùng cũng chấp nhận từ bỏ chiến lược “Zero Covid-19” và hướng tới sống chung với virus. Melbourne, thành phố bị phong tỏa lâu nhất thế giới, đã nới lỏng giới hạn từ ngày 22/10, sau khi bang Victoria tiêm chủng 70% dân số trên 16 tuổi.
Ở thái cực bên kia của “Zero Covid-19” là việc một số nước chọn cách để virus lây lan và hình thành miễn dịch cộng đồng, với sự hỗ trợ từ vaccine. Cách làm này cũng chưa chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả chống dịch tuyệt đối.
Sau khi tập trung tiêm chủng sớm cho người dân, Anh đã dỡ bỏ đại đa số giới hạn chống dịch vào ngày 19/7, thời điểm hơn 68% người trưởng thành ở Anh được tiêm đủ 2 mũi, trong khi 87% người trưởng thành đã tiêm 1 mũi.
Bằng cách dỡ bỏ ồ ạt như trên, quan chức Anh đặt niềm tin vào vaccine và ý thức của người dân để kiểm soát Covid-19, theo Wall Street Journal. Thủ tướng Anh Boris Johnson khi ấy từng kêu gọi người dân sống chung với virus như các bệnh hô hấp khác.
Nhưng lúc này, Anh đang ghi nhận trung bình 40.000 ca mắc mới mỗi ngày trong một tuần trở lại, gây sức ép lên hệ thống y tế. Không dừng ở đó, số ca mắc mới ở Anh còn có thể tăng vọt lên 100.000 ca/ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo ngày 20/10.
Anh dỡ bỏ đa số giới hạn chống dịch từ ngày 19/7. Ảnh: Reuters. |
Ông Javid cho biết nếu tình hình xấu đi, ông có thể sẽ buộc phải tái áp dụng một số biện pháp giới hạn từng bị dỡ bỏ ngày 19/7 như lệnh bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến khích làm việc từ xa, và yêu cầu xuất trình hộ chiếu vaccine, theo New York Times.
Ở cả hai ví dụ nói trên, vaccine ngừa Covid-19 cùng tỷ lệ tiêm chủng đóng vai trò là yếu tố then chốt giúp nhà chức trách ra quyết định mở cửa. Và thực tế chứng minh là vaccine có hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ trước nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19.
Tại Singapore - nước đã tiêm chủng đủ cho 85% người dân, cho thấy chỉ 0,2% trong số hơn 82.000 người mắc Covid-19 trong 28 ngày qua (tính tới ngày 19/11) tử vong, 0,8% cần được thở oxy, theo Bộ Y tế Singapore.
Nhưng chỉ vaccine không thôi là chưa đủ trong cuộc chiến chống dịch còn nhiều yếu tố chưa biết. Các nghiên cứu khoa học cho thấy số lượng kháng thể sau tiêm sẽ dần suy giảm, từ đó làm tăng rủi ro nhiễm trùng đột phá, theo Nature.
Những nghiên cứu này chưa xét tới rủi ro từ chủng Delta và vẫn còn khả năng xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn, nhất là khi virus luôn đột biến.
Vì thế, tiêm chủng cần song hành với các biện pháp chống dịch khác như đeo khẩu trang, hạn chế số người tụ tập hoặc yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm chủng để hạn chế lây nhiễm. Đây cũng chính là điều Singapore đã và đang làm: Lựa chọn biện pháp phù hợp khi không có biện pháp nào lý tưởng.
Số ca mắc mới mỗi ngày của Singapore có xu hướng giảm dần trong gần một tháng qua, tính đến ngày 23/11. Đồ họa: Our World in Data. |
Cẩn trọng đưa ra biện pháp phù hợp
Ngay từ sớm, các nhà lãnh đạo Singapore đã nhận thức được việc không thể cứng nhắc lấy mô hình chống dịch của nước khác để áp dụng trong nước.
Đến nay, tư duy ấy vẫn không đổi, thể hiện qua bài phát biểu ngày 18/10 của Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung.
"Chúng ta không thuần túy đi theo con đường ‘Zero Covid-19’ hoặc 'sống chung với Covid-19'", Bộ trưởng Ong nói. “Chúng ta áp dụng chiến lược triệt tiêu virus khi người dân còn dễ bị lây nhiễm, chủ yếu là trong năm trước và đầu năm nay. Sau khi có lá chắn từ vaccine, chúng ta dần mở cửa và tránh đột ngột dỡ bỏ biện pháp giới hạn”.
Áp dụng tư duy trên, Singapore vừa qua đã có các biện pháp phù hợp để đưa đảo quốc sư tử tiến gần tới việc mở cửa.
Chẳng hạn, sau khi độ phủ mũi 2 đạt 85%, Singapore tập trung tiêm mũi nhắc lại cho người dân. Để tạo điều kiện cho việc này, đầu tháng 11, đảo quốc sư tử cho phép người trên 30 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi có thể đến trung tâm tiêm chủng để tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine Moderna mà không cần hẹn trước.
Xét nghiệm cũng là điều được chú trọng trong quá trình mở cửa. Để đẩy mạnh việc này, Singapore từ ngày 22/10 bắt đầu phân bổ 10 bộ kit tự xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà cho mỗi hộ gia đình.
Số ca tử vong của Singapore được giữ ở mức thấp. Đồ họa: Our World in Data. |
Khi tình hình chống dịch thay đổi, Singapore cập nhật bộ quy tắc chăm sóc y tế theo hướng đơn giản hóa thủ tục để người dân dễ hiểu và giảm gánh nặng cho nguồn lực công.
Theo đó, từ ngày 11/10, Singapore chỉ có 3 bộ quy tắc tương ứng với 3 đối tượng: Người có triệu chứng và xét nghiệm dương tính, người không triệu chứng nhưng xét nghiệm dương tính, và người tiếp xúc gần với ca dương tính.
Các biện pháp được đưa ra dựa trên tình hình thực tế như trên đã giúp Singapore đạt được một số thành tựu trong cuộc chiến chống dịch.
Tính tới ngày 22/11, 24% trong số 5,45 triệu người dân ở đây đã được tiêm nhắc lại, theo Straits Times. Con số này còn sẽ tăng trong tương lai.
Từ tháng 9, Singapore cũng bắt đầu mở lại một số Hành lang du lịch cho người đã tiêm chủng (VTL) với một số quốc gia để người dân có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi có thể nhập cảnh vào đảo quốc sư tử mà không cần cách ly.
Tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh vào Singapore theo chương trình VTL là 1/1000 trong vòng 8 tuần kể từ khi chương trình bắt đầu. Thực tế cho thấy, rủi ro và nguy cơ lây nhiễm từ du khách đã được tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh theo chương trình VTL là rất thấp.
Hiện Singapore đã mở lại đường bay quốc tế theo khuôn khổ VTL với 13 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Đức. 5 VTL giữa đảo quốc sư tử và Malaysia, Thụy Điển, Indonesia, Phần Lan và Ấn Độ sẽ được mở từ ngày 29/11, và mở với Qatar, UAE và Arab Saudi trong tháng 12, theo Straits Times.
Có thể thấy, thông qua những động thái trên, Singapore đang từng bước cẩn trọng khôi phục lại đường hàng không, cũng như vị thế là một điểm kết nối toàn cầu.