Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nước này sẽ đề nghị UNESCO công nhận văn hóa hàng rong, tạm dịch từ hawker culture, là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Tuyên bố được đưa ra nhân sự kiện thường niên National Day Rally ở đảo quốc sư tử. Lập tức, các đầu bếp Malaysia đã phản ứng khá gay gắt trước thông tin này.
Theo đầu bếp nổi tiếng Datuk Redzuawan Ismail, thường gọi là Chef Wan, trong khi mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa ẩm thực đường phố độc đáo riêng biệt, động thái của Singapore cho thấy sự kiêu ngạo.
"Những người thiếu tự tin về ẩm thực của mình, mới làm tất cả những điều này để được sự công nhận. Không cần thiết phải thông báo cho cả thế giới biết bạn có cái này, bạn có cái kia", ông nói.
Đầu bếp Malaysia Datuk Redzuawan Ismail cho rằng việc đề nghị UNESCO công nhận văn hóa hàng rong là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Singapore thể hiện sự kiêu ngạo. Ảnh: Butterkicap. |
Đầu bếp này cho biết thêm ẩm thực là phổ quát, dành cho mọi người thưởng thức, là sự bắt đầu cho tình bạn và niềm vui. Ẩm thực không phải là sự lựa chọn chiến đấu để sở hữu.
Theo lý giải của đầu bếp Datuk Ismail Ahmad, văn hóa hàng rong của Singapore thường được "giới hạn" trong các tòa nhà, trong khi đó ở Malaysia, hàng rong rất phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Đó là sự độc đáo, đa dạng của văn hóa hàng rong Malaysia, khác với sự đơn điệu của Singapore.
"Các khu vực bán hàng rong (hawker center) của họ tuy đẹp, nhưng vô vị. Nếu đến một khu vực bán rong ở Malaysia, bạn sẽ thấy sự nhạy cảm của chúng tôi trong việc sử dụng các nguyên liệu tươi sống, cũng như những nỗ lực để duy trì sự độc đáo cho các món ăn", ông khẳng định.
Trên mạng xã hội cũng diễn ra những tranh cãi gay gắt giữa người dân hai nước Malaysia và Singapore về vấn đề này.
Trước lời đề nghị UNESCO công nhận văn hóa hàng rong là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của đảo quốc sư tử, người dân Malaysia và Singapore đã có những tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Ảnh: Singapore Travel Guide. |
Damien Loh, một người dùng Facebook ở Malaysia cho rằng cả hai nước đều có văn hóa ẩm thực rất giống nhau. "Không sai khi Singapore đề nghị như thế, và người Malaysia cũng có thể đưa ra tuyên bố tương tự. Sau tất cả, tổ tiên của chúng tôi đều bước xuống từ cùng một chiếc thuyền cập vào đất liền", người này lý giải.
Tại Singapore, tài khoản Facebook Penelope Chin bày tỏ: "Người Malaysia luôn có ý kiến về Singapore. Họ cũng có thể làm điều tương tự nếu họ muốn".
Cùng quan điểm, Sangha Vandana, một người dùng Facebook khác ở nước này chia sẻ rằng, tại sao Malaysia không đề nghị UNESCO công nhận văn hóa hàng rong như Singapore, trong khi họ cũng tự hào về nền ẩm thực của mình?
Văn hóa hàng rong với các khu vực bán hàng tập trung là một trong những trải nghiệm đặc sắc thu hút nhiều du khách ở Singapore. Theo The Straits Times, hiện mỗi ngày có hơn 6.000 người bán hàng rong tại khoảng 110 khu vực hàng rong ở nước này.
Tại Singapore, chủ trương đưa những người bán hàng rong trên đường phố, vỉa hè vào các khu vực buôn bán tập trung có từ những năm 1970. Chủ trương này nhằm cải tạo cảnh quan đô thị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...