Nhiều sinh viên chậm nhận bằng do thiếu đầu ra ngoại ngữ. Ảnh minh họa: ĐH Bách khoa TP.HCM. |
TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Đại học Công Thương TPHCM, cho hay sinh viên đã được xét tốt nghiệp nhưng để nhận bằng tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ và Tin học.
30-50% sinh viên một số trường bị chậm bằng do môn Ngoại ngữ
Đối với Tin học, đa số sinh viên đều sớm hoàn thành chuẩn đầu ra. Với ngoại ngữ, chỉ khoảng 50% hoàn thành đúng hạn; 50% sinh viên còn lại chưa đạt chuẩn ở thời điểm tốt nghiệp. Điều này khiến các em bị "giam" bằng do sinh viên phải hoàn thành chuẩn ngoại ngữ mới được nhận bằng tốt nghiệp.
TS Thái Doãn Thanh cho rằng như vậy ở đây không phải là tốt nghiệp chậm, mà đã tốt nghiệp nhưng chậm nhận bằng do chưa hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Sinh viên đạt chuẩn đầu ra khi nào sẽ được cấp bằng tốt nghiệp lúc đó.
“Tùy vào sự nỗ lực của sinh viên, một số em chỉ thời gian rất ngắn 1-2 tháng là hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ nhưng cũng có những sinh viên dù đã xét tốt nghiệp nhưng lại mất thêm 1-2 năm mới hoàn thành chuẩn này”, TS Thái Doãn Thanh nói.
Ông cho hay nhiều sinh viên hiện nay khá lơ là trong việc hoàn thành các điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp. Mặc dù nhà trường đã triển khai rất sớm, thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, không ít sinh viên không quan tâm tới các điều kiện để lấy bằng tốt nghiệp cũng như xét tốt nghiệp. Các em thường để tới học kỳ cuối cùng - "nước đến chân mới nhảy" trong khi đây là thời điểm bận rộn để thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp.
Ông Thanh khuyên sinh viên khi mới vào trường cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Tốt nhất, các em phấn đấu đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ vào năm thứ 2 bởi đây là thời điểm sinh viên vừa hoàn thành việc học ngoại ngữ trong chương trình chính khóa.
Dự thi vào thời điểm này, các sinh viên đang có sẵn kiến thức. Nếu bỏ bẵng sau một thời gian, việc thi ngoại ngữ sẽ khó khăn hơn. Mặt khác, sinh viên phải quyết tâm, nỗ lực hết mình để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn hơn so với kế hoạch chuẩn của trường do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở các chương trình đào tạo tiêu chuẩn học bằng tiếng Việt khoảng 20%. Con số này ở các chương trình đào tạo tiên tiến (học 100% bằng tiếng Anh) là khoảng 5%.
Còn với các chương trình đào tạo đặc thù (chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng ứng dụng POHE học 30-50% các môn học bằng tiếng Anh), số sinh viên tốt nghiệp muộn so với kế hoạch chuẩn là khoảng 8%.
Theo đại diện ĐH Thương mại, ở khóa sinh viên tốt nghiệp gần nhất, khoảng 30% chậm tốt nghiệp, trong đó có những sinh viên do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh (số còn lại vì những lý do khác chưa học đủ học phần).
Đầu ra ngoại ngữ trở thành rào cản của sinh viên, chủ yếu là sinh viên khó khăn. Ảnh: Lê Huyền. |
Theo vị này, số gặp vướng mắc về ngoại ngữ chủ yếu rơi vào nhóm sinh viên ở nông thôn, hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là trở ngại trong công tác giảng dạy của trường.
“Bởi các em vốn đã yếu ngoại ngữ, chương trình tiếng Anh ở bậc đại học lại nặng hơn nữa. Các em không chỉ áp lực khi không đủ thời gian mà còn cả vấn đề kinh phí. Bởi muốn học thêm, bổ sung về ngoại ngữ phải có tiền. Trong khi đóng học phí chương trình chính khóa đã là gánh nặng. Một số em còn gặp bất lợi khi vừa phải đi làm thêm để trang trải tiền học và sinh hoạt. Do đó việc đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ sẽ khó khăn hơn”, vị này nói.
Chính vì vậy, thông thường, để đảm bảo tốt nghiệp, các em thường hoàn thành hết chương trình học các môn, sau đó mới tập trung hoàn toàn cho việc hoàn thành các học phần/tín chỉ ngoại ngữ. “Như vậy, về cơ bản, các em vẫn tốt nghiệp ra trường được nhưng chấp nhận việc tốt nghiệp muộn”, vị này nói.
Tuy nhiên, theo vị này, trong tương lai, để hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, xu hướng của nhà trường vẫn sẽ nâng chuẩn đầu ra về tiếng Anh để xét tốt nghiệp là từ mức IELTS 5.5 trở lên (thay vì IELTS 5.0 như hiện nay).
Trường kỹ thuật "thoát mác" sinh viên kém ngoại ngữ
Theo PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM, yêu cầu về ngoại ngữ khi tốt nghiệp bậc đại học đã được quy định trong khung trình độ quốc gia (bậc 3/6 khung trình độ ngoại ngữ Việt Nam).
Nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên và giúp sinh viên sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trình độ cao, hội nhập quốc tế.
Hiện nay, chương trình đào tạo tiêu chuẩn (bằng tiếng Việt) có chuẩn đầu ra ngoại ngữ tương đương TOEIC 600, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh/tiên tiến là IELTS 6.0 (cũng là chuẩn đầu vào).
Mặt khác để thúc đẩy việc học tiếng Anh, nhà trường đặt ra các ngưỡng tiếng Anh từng cấp độ/từng năm học theo lộ trình giảng dạy các môn tiếng Anh của nhà trường.
Sinh viên được yêu cầu phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ trước khi nhận đồ án tốt nghiệp, để khi hoàn thành xong đồ án tốt nghiệp là có thể nhận bằng tốt nghiệp ngay.
Vì vậy, tại ĐH Bách khoa TP.HCM, gần như rất ít sinh viên chậm nhận bằng tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Trong khi đó ở ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết nhà trường chưa có thống kê cụ thể số sinh viên chậm nhận bằng tốt nghiệp do vướng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tuy nhiên sơ bộ khoảng 5-10% sinh viên mỗi khoá. Đa phần sinh viên này rơi vào các khối ngành kỹ thuật nhiều hơn, còn ở khối ngành kinh tế dịch vụ rất ít.
TS Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin nhận thức vai trò, tầm quan trọng của ngoại ngữ trong xã hội hiện đại, nhà trường cũng đưa ra chuẩn đầu ra ngoại ngữ để sinh viên dù tập trung vào kiến thức chuyên môn cũng không lơ là việc học ngoại ngữ. Theo đó, nhà trường đưa ra yêu cầu sinh viên phải đạt được chuẩn tiếng Anh mới có thể tốt nghiệp.
“ĐH Bách khoa Hà Nội quan điểm kể cả sinh viên theo học khối ngành kỹ thuật, nền tảng tiếng Anh cũng vẫn phải tốt, để sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng và phát triển trong bối cảnh quốc tế hóa. Việc biết tiếng Anh rất quan trọng và lợi thế, bởi có thể giúp các em sau này có thể đọc hiểu tài liệu, tiếp cận những công nghệ mới… Do đó, tùy vào từng hệ/chương trình đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội có những yêu cầu về đầu ra ngoại ngữ khác nhau. Đối với những hệ đào tạo học bằng tiếng Anh, yêu cầu sẽ cao hơn hệ thường”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong số các sinh viên chậm tốt nghiệp mỗi năm của trường, vì nhiều nguyên nhân, có cả số vì vướng đầu ra về ngoại ngữ.
Thực tế, số sinh viên bị chậm tốt nghiệp vì vướng đầu ra về ngoại ngữ chủ yếu là sinh viên theo học chương trình chuẩn (học thuần bằng tiếng Việt). Với sinh viên theo học những chương trình tiên tiến, hầu như không gặp vấn đề về việc này, bởi đều có nền tảng và học bằng tiếng Anh.
Theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, người tốt nghiệp đại học, phải có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam. Hiện nay, nhiều trường đại học quy định, chuẩn đầu ra tiếng Anh để xét tốt nghiệp sinh viên là là bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương ứng B1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu - CEFR hoặc IELTS 5.0); riêng ngành ngôn ngữ là bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (tương ứng C1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu - CEFR hoặc IELTS 6.5). Các ngoại ngữ đang được áp dụng hiện nay là tiếng Anh, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Nga. Có đại học chỉ quy định chuẩn đầu ra duy nhất bằng tiếng Anh, phần lớn trường yêu cầu chứng chỉ quốc tế uy tín.