5h56 ngày 21/5, Huang Yi mặc đồ bảo hộ y tế và đeo khẩu trang N95, lần đầu bước khỏi khuôn viên trường đại học sau 76 ngày phong tỏa. Trải qua quãng thời gian dài chờ đợi, cô nữ sinh cuối cùng cũng có thể rời Thượng Hải để về quê nhà của mình ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
"Mọi thứ thật kỳ lạ", cô mô tả hành trình về quê trên tuyến đường vắng vẻ từ trường học đến ga tàu Hồng Kiều.
Huang Yi đang học năm hai tại Đại học Sư phạm Thượng Hải. Cô là một trong số các sinh viên có thể rời thành phố trong những ngày gần đây, mặc dù không có con số chính thức nào được công bố, theo Sixth Tone.
Khó trở về quê
Các trường đại học ở Thượng Hải đang khuyến khích và tổ chức cho sinh viên trở về quê nhà sau khi lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 được nới lỏng.
Hầu hết 25 triệu cư dân của Thượng Hải bị yêu cầu ở nhà từ 1/4. Tuy nhiên, nhiều khu chung cư và phần lớn trường đại học lại bị cách ly suốt từ đầu tháng 3 bởi xuất hiện nhiều ca nhiễm.
Các sinh viên phải đối mặt hàng loạt vấn đề khi phong tỏa. Họ cho biết chỉ có thể đi lại trong khuôn viên trường, thiếu sự riêng tư và rất khó để gọi đồ ăn.
"Tôi kiệt quệ khi phải sống một cuộc sống chỉ học online, ăn và ngủ", Huang nói và cho biết thêm rằng cô thậm chí còn không được tắm trong khoảng thời gian cách ly.
Sinh viên chờ đợi tại ga Hồng Kiều, Thượng Hải vào ngày 23/5. Ảnh: He Qiqi. |
Hiện tại, một số trường đại học đã ban hành hướng dẫn và cho phép sinh viên rời khỏi trường nếu tòa nhà của họ không có ca nhiễm mới trong 14 ngày.
Wang Ying, một sinh viên tại Đại học Thượng Hải, cho biết cô đã đặt vé tàu và xin giấy phép di chuyển ngay sau khi nhà trường thông báo về chính sách nêu trên vào 19/5.
Theo cô nữ sinh, các quy định phòng dịch ở tỉnh Sơn Đông, quê nhà mình, liên tục thay đổi. Vừa đóng gói hành lý, cô vẫn liên tục kiểm tra các thông tin mới nhất để đảm bảo không có trục trặc.
Cô nói với Sixth Tone: "Thông qua nhóm chat, sinh viên chúng tôi trao đổi với nhau cả gói gia vị mì tôm. Dù đã dần thích nghi với điều này, tôi biết rằng mình vẫn phải thay đổi và trở về với gia đình".
Nhân viên y tế sức khỏe nghỉ ngơi bên ngoài một khu dân cư bị phong tỏa. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng không phải ai cũng có thể về quê một cách suôn sẻ như Huang Yi và Wang Ying. Một số sinh viên cho biết không dám về quê vì phí kiểm dịch tại địa phương quá cao.
Theo đó, một số tỉnh cho biết sinh viên trở về phải cách ly tập trung 14 ngày với chi phí 800 nhân dân tệ (120 USD) mỗi đêm. Nếu không có số tiền này, họ nên ở lại Thượng Hải thêm 20 ngày, nếu không dương tính mới có thể về nhà.
Nhưng kể cả chấp nhận trả tiền, sinh viên vẫn khó về quê vì chính sách phòng dịch mơ hồ và không nhất quán ở nhiều địa phương.
He Qiqi, một sinh viên tại Đại học Fudan, rời Quảng Châu ngày 23/5 để trở về quê nhà thành phố Hoài Châu. Anh cho biết mình đã chuẩn bị kinh phí để thuê xe đưa đón và cách ly tập trung trong 7 ngày tại địa phương theo quy định.
Ngày khởi hành, He Qiqi đến sân ga Quảng Châu nhưng không có một chiếc xe nào đưa đón. Anh gọi điện cho cơ quan kiểm dịch Hoài Châu, họ yêu cầu anh phải chủ động tìm một khách sạn ở Quảng Châu để cách ly và chờ đợi cho đến khi có phương tiện khác đón mình.
"Mọi thứ như mớ bòng bong", anh nói và cho biết thêm các nhà chức trách Hoài Châu còn không hề biết về sự cố cho đến khi anh gọi điện.
Ở lại
Trong khi nhiều sinh viên cố gắng "chạy trốn" khỏi Thượng Hải, một số người lại quyết tâm ở lại. Đó là những sinh viên vẫn phải hoàn thành môn học, chờ phỏng vấn việc làm hoặc chuẩn bị đi làm sau khi tốt nghiệp vào đầu tháng 6.
Các shipper mặc đồ bảo hộ giao hàng tại một khu dân cư ở Thượng Hải. Ảnh: AP. |
Shen Lingyi, một sinh viên năm cuối tại Đại học Thượng Hải, vừa tìm được việc làm sau khi nộp CV đến 150 đơn vị. Quá trình tìm việc quá khó khăn, cô quyết định ở lại thành phố.
"Tôi cảm thấy ổn khi ở lại đây vì cuộc sống ngoài khuôn viên trường có lẽ không quá tệ. Nhưng điều tôi tiếc nuối nhất là phải chia tay đại học một cách im lặng mà không có lễ kỷ niệm nào", cô nói.
Wang, nữ sinh đang chờ đợi trở về Sơn Đông, cũng cho biết mình đã sẵn sàng rời Thượng Hải. Tuy vậy, trong lòng cô vẫn luyến tiếc thành phố này bởi đã gắn bó nhiều năm.
"Tôi ước mình có thể mời các thầy cô cố vấn đi ăn. Họ đã giúp tôi rất nhiều để hoàn thành chương trình học. Sau này, tôi nhất định sẽ quay lại Thượng Hải thăm lại các giáo viên của mình", cô bày tỏ.