Theo phản ánh của sinh viên, họ không hề được báo trước về các khoản phí này. Đây cũng không phải lần đầu tiên xảy ra vấn đề "học phí phát sinh" khi nhận bằng tốt nghiệp.
Thu phí không rõ ràng
H.M.D., tân cử nhân ngành Báo chí - Truyền thông của trường cho biết sinh viên này nhận bằng tốt nghiệp thì bất ngờ được báo phải đóng đủ tiền học phí còn thiếu mới được nhận.
D. được yêu cầu phải đóng hơn 700.000 đồng để được nhận bằng. Theo giải thích của cán bộ Phòng Công tác Sinh viên, đây là khoản chênh lệch học phí giữa số tiết học thực tế của từng môn và số tiết mà các khoa/bộ môn thông báo cho sinh viên.
Các tân cử nhân bức xúc trước những khoản phí không rõ ràng. |
Nam sinh cho hay cả lớp đều gặp phải trường hợp tương tự. Tuy nhiên, cùng là sinh viên của một khoa, học chung một lớp với những môn học giống nhau, các bạn lại phải đóng nhiều mức khác nhau để được nhận bằng. Đặc biệt, trường hợp cao nhất phải nộp hơn một triệu đồng.
“Nhà trường giải thích rằng đây là số tiền chênh lệch ở một số môn học vào năm thứ nhất, thứ hai nhưng từ đó đến nay không hề thông báo và cũng không nói rõ môn nào bị 'vênh'. Trong khi đó, lâu nay, nếu sinh viên không đóng học phí, hay đóng không đầy đủ, trường đều nhắc nhở. Ngay cả trên tài khoản sinh viên của mình cũng không thấy có thông báo. Do đó, mình có lý do tin rằng không hề đóng thiếu”, D. giải thích.
N.V.S., một tân cử nhân khác, cũng rơi vào trường hợp như D. khi được thông báo đóng thêm 326.000 đồng để rút bằng tốt nghiệp. S. được giải thích đây là số tiền chênh lệch của mỗi tín chỉ tại thời điểm đóng phí.
Tân cử nhân này cho rằng lời giải thích trên không thuyết phục: “Nếu đúng là sinh viên đóng thiếu và có sự chênh lệch, tại sao không có thông báo rõ ràng từ Phòng Kế hoạch - Tài chính hay Phòng Đào tạo? Tại sao phải để đến lúc sinh viên rút bằng mới được thông báo trong tình thế không thể không đóng?”.
Đây không phải là năm đầu tiên xảy ra vấn đề này. Các khóa tốt nghiệp trước đó cũng gặp phải trường hợp tương tự, nhưng phần đông đều chấp nhận đóng tiền để được nhận bằng tốt nghiệp, dù rất mơ hồ về khoản thu này.
Trường giải thích do thay đổi môn học
Giải thích về việc này, đại diện Phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện của trường cho biết những trường hợp phải đóng phí bổ sung có thể do sự thay đổi môn học sau khi việc thu học phí kết thúc.
Cụ thể, việc thu học phí bổ sung, có hai trường hợp: Thứ nhất do thay đổi số tiết, có thể là bổ sung môn học mới hoặc thay đổi môn học mới sau khi kết thúc việc thu học phí. Do đó, nhà trường yêu cầu trường hợp bổ sung môn học, cử nhân cần thanh toán học phí bổ sung. Trường hợp do điều chỉnh số tiết của môn học (do khoa, bộ môn đề nghị), cử nhân không phải thanh toán học phí chênh lệch.
Ví dụ sinh viên nộp học phí là 30 tiết nhưng sau đó khoa bổ sung thêm 15 tiết cho cùng môn học thì không cần thanh toán học phí bổ sung.
Trường hợp thứ hai, có thể những sinh viên này nợ học phí học kỳ hè nên phải thanh toán trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
D. cho rằng giải thích như trên rất chung chung và không làm rõ được vấn đề sinh viên bức xúc. Vì theo trường hợp của mình, cử nhân này không hề có môn học nào phát sinh sau các đợt thu học phí.
“Nếu có vấn đề phát sinh môn học mà sinh viên không biết hoặc không theo dõi, nhà trường cũng nên lập danh sách rõ ràng những ai thiếu, thiếu ở tín chỉ nào, học kỳ nào. Và thay vì yêu cầu sinh viên phải đến Phòng Đào tạo để được giải thích, tại sao nhà trường không chủ động làm rõ thông tin qua tài khoản sinh viên hoặc các kênh khác? Nhà trường nên có trách nhiệm với sinh viên của mình”, D. nói.